NĂM 2020, ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH SẼ GIÁM SÁT NHỮNG VẤN ĐỀ NÓNG VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI

06/01/2020

Năm 2020, Uỷ ban QP&AN sẽ khảo sát, giám sát những vấn đề nóng được cử tri, nhân quan tâm như: phòng chống các loại hình tội phạm, đảm bảo TTATGT… Bên cạnh đó, Ủy ban cũng sẽ giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 về hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC... là chia sẻ của Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhân dịp đầu năm mới.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

Phóng viên: Thưa Phó Chủ nhiệm, năm 2019, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua 03 luật trong lĩnh vực Công an. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ có ý nghĩa gì sau khi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ có hiệu lực từ 01/7/2010.

Thứ nhất, sẽ giúp rút gọn được thủ tục hành chính, tức là cải cách được thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân khi đi làm hộ chiếu cũng như cấp đổi hộ chiếu.

Thứ hai, giúp cho việc quản lý tốt vấn đề ANTT, làm sao chống lại việc làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh.

Thứ ba nữa là trong hộ chiếu đó có quy định việc gắn chíp điện tử và hộ chiếu riêng lẻ dành cho từng công dân một nên nó sẽ kết nối với thẻ căn cước công dân, mà anh có thẻ căn cước công dân sẽ được làm hộ chiếu ở bất kỳ nơi nào và trả hộ chiếu có thể ở bất kỳ nơi nào, đó là cái thuận tiện, rất tốt đồng thời giúp cho việc kết nối dữ liệu về các thông tin liên quan đến công dân, xuất nhập cảnh thì sẽ quản lý tốt hơn vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia.

Phóng viên: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, vậy Luật này có những điểm mới gì đáng chú ý, thưa Phó Chủ nhiệm?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có 5 điểm mới:

Thứ nhất là nó quy định một cách cụ thể hơn về trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử, sử dụng công nghệ 4.0 vào công tác này.

Thứ hai, các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực là một trong những điểm mới để các công dân nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống, đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi.

Thứ ba, đó là quy định rất rõ về sửa đổi các điều kiện nhập cảnh, tức là khi công dân nước ngoài vào Việt Nam được quy định điều kiện cụ thể, rõ ràng hơn theo từng lĩnh vực, khu vực.

Thứ tư là các trường hợp người nước ngoài được cấp thị thực tạm trú, đây cũng là một điểm mới.

Thứ năm là miễn thị thực đối với người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển. Ở đây, chúng ta hiểu rằng, khi khách nước ngoài vào du lịch hoặc làm ăn, đầu tư vào khu kinh tế đó thì luật quy định miễn thị thực vào khu kinh tế đó. Với miễn thị thực này cũng quy định rất rõ ràng về điều kiện, thế nhưng đặt ra điều kiện nghiêm khắc về an ninh trật tự nhằm để chống lại việc lợi dụng ưu đãi đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm an ninh quốc gia.

Phóng viên: Một trong những kết quả nổi bật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong năm 2019, đó là việc chủ trì, phối hợp triển khai các nội dung giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018”. Theo Phó Chủ nhiệm, qua cuộc giám sát này, Quốc hội đã chỉ ra được những vấn đề trọng tâm gì cần sớm khắc phục trong công tác phòng cháy chữa cháy tới đây?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Kết quả giám sát đã chỉ ra rằng:

Thứ nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy ở một số nơi, một số địa phương chưa được quan tâm thực sự từ các cấp lãnh đạo. Chính vì thế còn hiện tượng để xảy ra tình trạng cháy.

Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy còn có văn bản lạc hậu, chồng chéo. Ví dụ, có những quy định về quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy về nhà cao tầng, sản xuất hàng hóa đặc biệt hiện nay vẫn có quy chuẩn chính thức và đầy đủ, thậm chí phải sử dụng quy chuẩn của nước ngoài để quản lý nên xảy ra những bất cập.

Thứ ba, công tác tuyên truyền pháp luật về phòng cháy chữa cháy nhiều lúc, nhiều nơi còn hình thức, dẫn đến hiệu quả, người dân ý thức về phòng cháy chữa cháy còn thấp.

Thứ tư, việc đầu tư cho lực lượng phòng cháy chữa cháy của chúng ta còn có những hạn chế nhất định, quá khiêm tốn nên phương tiện, công cụ, việc đào tạo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy nhiều nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ năm, một hiện tượng phổ biến là nhiều chủ doanh nghiệp đầu tư các dự án xây nhà cao tầng có những vi phạm nhất định. Khi chưa có nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng nên dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao, thậm chí có chủ đầu tư còn thay đổi công năng trong vấn đề xây dựng nên vi phạm quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy trong lĩnh vực xây dựng.

Thứ sáu, hệ thống cơ sở phục vụ chữa cháy, ví dụ như hệ thống nước chữa cháy, hồ chứa nước chữa cháy, các bình chữa cháy, đường ống dẫn nước chữa cháy ở nhiều nơi chưa được quan tâm, nên dẫn đến tình trạng có nhưng hỏng hóc hoặc không sử dụng được khi xảy ra cháy.

Thứ bảy, vấn đề phòng chống cháy rừng nhiều nơi còn buông lỏng nên nguy cơ cháy rừng còn cao, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, những nơi khó khăn, hiểm trở nhưng lực lượng phòng cháy chữa cháy và phương tiện phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cuối cùng, đó là việc phòng cháy chữa cháy tại các cảng biển, cảng đường thủy, hiện nay chưa có những phương tiện chuyên dụng nên nguy cơ cháy nổ trên các tàu, từ các tàu đến các kho ở nơi đó mặc dù đã có lực lượng chuyên trách nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Sau khi có kết quả giám sát chính thức trước Quốc hội thì Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Trên cơ sở kiến nghị của Đoàn giám sát thì Quốc hội cũng đưa ra những kiến nghị rất rõ ràng.

Thứ nhất là phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị của Đảng về phòng cháy chữa cháy và phải khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy để tạo hành lang pháp lý quan trọng nhất cho việc thực hiện pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Thứ hai, Chính phủ cũng như chính quyền các cấp làm sao phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực, kể các các Bộ ngành phải thực hiện trong từng lĩnh vực; phải đầu tư hơn nữa cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, bao gồm cả lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên trách lẫn lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở với trang bị, phương tiện đầy đủ, để làm sao tốt hơn và tiếp theo là phải đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo duc pháp luật về phòng cháy chữa cháy; xử lý rất nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt trong đó có vấn đề cực kỳ nghiêm khắc đối với các công trình khi đi vào sử dụng nếu chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, cương quyết không đưa vào sử dụng, đấy là những kiến nghị để làm sao thực hiện tốt nhất phòng cháy chữa cháy.

Phóng viên: Trật tự an toàn xã hội là vấn đề nóng thường được người dân, dư luận xã hội quan tâm. Năm 2020, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tập trung vào các hoạt động khảo sát, giám sát gì trong lĩnh vực này, thưa Phó Chủ nhiệm?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

Trật tự an toàn xã hội hiện nay có một số điểm vẫn còn dây ra bức xúc trong xã hội. Đồng hành cùng các lực lượng chức năng của cả nước và hệ thống chính trị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thực hiện chức năng giám sát, xây dựng pháp luật về lĩnh vực này, trong năm 2020, theo quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cần phải tập trung giám sát 1 số vấn đề.

Thứ nhất là trật tự an toàn giao thông, đây luôn luôn là 1 trong những điểm rất nhức nhối hiện nay. Vẫn còn những vụ trật tự an toàn giao thông gây thiệt hại lớn cho xã hội. Luật phòng chống tác hại củ rượu bia bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2020, đấy là 1 trong những hành lang pháp lý rất quan trọng trong việc làm giảm tác hại từ rượu bia, cho nên Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục thực hiện, đồng hành với các Ủy ban để làm sao giám sát chặt chẽ nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất đối với việc thực thi pháp luật đối với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các Nghị định của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực về trật tự an toàn giao thông, để làm sao chúng ta đạt được mục đích cao cả nhất, đó là giảm càng sâu càng tốt đối với cả 3 góc độ về trật tự an toàn giao thông, đây là niềm hạnh phúc của nhân dân cũng như tất cả chúng ta.

Thứ hai, là tiếp tục thực hiện trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.

Thứ ba, hiện nay tình trạng tín dụng đen vẫn còn hoạt động mặc dù các cơ quan chức năng đã làm rất tốt trong các năm qua, thế nhưng nó vẫn còn tồn tại và gây ra những hệ lụy rất nhiều đối với xã hội, cho nên Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục giám sát, cả tình trạng bạo lực trong xã hội hiện nay, đặc biệt là bào lực trong giới trẻ, trong gia đình, tình trạng xâm hại tình dục, xâm hại tình dục trẻ em, đấy là những hiện tượng rất nhức nhối.

Vấn đề nữa là tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, những hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới có yếu tố nước ngoài; tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam núp bóng dưới dạng doanh nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...  gây ra hậu quả, bức xúc trong dư luận nhân dân thì Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục nhiệm vụ giám sát đó trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm!

Khắc Phục