PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ LỄ KÝ QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH VỚI BỘ CÔNG AN

08/09/2021

Cuối giờ chiều 08/9 tại Trụ sở Bộ Công an, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội với Bộ Công an phối hợp tổ chức buổi làm việc để thông báo về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa XV do Bộ Công an đề nghị và tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan.

 

Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương. Đồng chủ trì buổi làm việc có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Tham gia buổi làm việc, về phía Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, có các đồng chí trong Thường trực Ủy ban, Vụ Quốc phòng-An ninh. Còn về phía Bộ Công an có đại diện các lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc buổi làm việc 

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, đây là 2 nội dung rất quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc phòng An ninh và Bộ Công an. Việc trao đổi thống nhất trước Chương trình xây dựng pháp luật sẽ giúp cho 2 cơ quan chủ động từ khâu soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ, thống nhất về nội dung, bố cục, câu từ... Từ đó, việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sẽ thuận lợi và đạt chất lượng cao hơn. Việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Uỷ ban Quốc phòng An ninh với Bộ Công an là yêu cầu cần thiết đặt ra hiện nay vì Quy chế cũ từ năm 2013 đến nay đã có những thay đổi cả về lý luận và thực tiễn đặt ra.  

“Quy chế được ký kết vừa là cơ sở để các cơ quan chuyên môn làm việc, trao đổi thông tin kịp thời, đáp ứng kịp các yêu cầu thực tế đặt ra; vừa để gắn kết tình cảm giữa Uỷ ban Quốc phòng An ninh với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ.

Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đang xây dựng 04 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động đã được đưa vào Chương trình, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 và 03 dự án gồm: Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật lực lượng tham gia bảo vệ An ninh, trật tự ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân đang được nghiên cứu để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Ngoài ra, Bộ Công an hiện đang chủ trì soạn thảo 2 Nghị định gồm: Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định về quản lý cửa khẩu hàng không.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an

Về dự kiến định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV, Bộ Công an dự kiến xây dựng 06 dự án luật được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV thẩm tra gồm: 04 dự án luật dự kiến trình năm 2022 nêu trên và 02 dự án gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Căn cước công dân (dự kiến trình năm 2023) và Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (dự kiến trình 2025). Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngoài các dự án luật dự kiến được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra, Bộ Công an rất mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong quá trình phối hợp với các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (dự kiến trình năm 2022); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) (dự kiến trình năm 2023); Luật Dẫn độ (dự kiến trình năm 2025); Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (dự kiến trình năm 2025) và phối hợp xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Tại buổi lễ, dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và các đại biểu đại diện 2 cơ quan, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới và Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm, đã Ký Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Công an.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới và Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm, đã ký Quy chế phối hợp công tác

Theo Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Quy chế chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Công an quy định nội dung và trách nhiệm phối hợp của 2 bên trong: Phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật; Phối hợp trong hoạt động khảo sát, giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Phối hợp trong việc tham mưu, kiến nghị những vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự; Phối hợp trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin và một số hoạt động khác.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan của Bộ Công an sớm làm việc để chuẩn bị dự thảo Quy chế phối hợp ký kết giữa 2 cơ quan, đây là cơ sở để 2 bên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi lễ

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận vai trò, vị trí và đóng góp to lớn của Bộ Công an, lực lượng Công an nhân dân trong tham gia hoạt động của Quốc hội thời gian qua; cho rằng, việc ký kết Quy chế phối hợp sẽ tạo thuận lợi, sự linh hoạt để Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Bộ Công an phối hợp từ sớm, từ xa thực hiện tốt nhiệm vụ, trong đó có công tác xây dựng pháp luật; tham gia giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải quyết khiếu nại tố cáo; giúp Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất với Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

“Tôi đề nghị, trên cơ sở quy chế này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Bộ Công an cần có kế hoạch phối hợp thật chặt chẽ trong từng công việc cụ thể theo phương châm 3 chủ động gồm: chủ động dự báo, chủ động chuẩn bị từ sớm từ xa và chủ động đến với nhau, để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao vai trò của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Phát biểu bế mạc buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao vai trò của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhất là trong việc thực hiện chức năng thẩm tra các dự án Luật, cũng như kết quả phối hợp với Bộ Công an trong thời gian qua. Sau hơn 8 năm thực hiện Quy chế phối hợp từ năm 2013, Đại tướng Tô Lâm cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các nội dung để ký kết Quy chế phối hợp mới giữa 2 bên lần này; đồng thời mong muốn cơ chế phối hợp công tác giữa 2 bên sẽ được duy trì và ngày càng tốt đẹp hơn để Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Cũng tại buổi làm việc, nhằm ghi nhận những đóng góp của các cá nhân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Công an cho 10 đồng chí gồm: Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Trần Tuấn Hinh, Vụ trưởng Vụ Quốc phòng-An ninh, Văn phòng Quốc hội; ông Phan Quang Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng-An ninh, Văn phòng Quốc hội; ông Cao Anh Tuấn, chuyên viên chính Vụ Quốc phòng-An ninh; bà Trần Minh Thái, chuyên viên chính Vụ Quốc phòng-An ninh; ông Nguyễn Phong Nhã, chuyên viên chính Vụ Quốc phòng-An ninh./.

Khắc Phục