Phát biểu khai mạc buổi khảo sát, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, trong đó được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm cho ý kiến. Với vị trí vai trò rất quan trọng của lực lượng này, các đại biểu Quốc hội nhất trí sự cần thiết nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Luật Cảnh sát cơ động. Qua buổi làm việc này, Đoàn khảo sát mong muốn lắng nghe các ý kiến từ thực tiễn để làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật bảo đảm khi luật được ban hành sẽ có tính thực tiễn, khả thi cao, tạo cơ sở pháp lý cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tốt hơn, đồng thời công dân cũng chấp hành tốt các quy định của luât.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Yên Bái là một tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là đầu mối, cửa ngõ miền Tây nối liền Đông Bắc với Tây Bắc và các tỉnh trung du Bắc Bộ. Trên địa bàn của tỉnh có nhiều công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, phát sinh thành “điểm nóng”, không có tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.
Lực lượng Cảnh sát cơ động đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án, xử lý các tình huống góp phần giữ vững ổn định, giữ gìn an ninh chính trị; tổ chức vũ trang canh gác đảm bảo tuyệt đối an toàn tại các mục tiêu; phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố vũ trang tuần tra kiểm soát; bảo vệ an toàn tuyệt đối các đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh; bảo vệ an toàn các Hội nghị, sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh; tổ chức vũ trang bảo vệ an toàn các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt. Lực lượng Cảnh sát cơ động cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức vũ trang tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT và TTATGT trên các địa bàn trọng điểm theo kế hoạch. Quá trình tuần tra, kiểm soát đã kịp thời phát hiện, xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm về TTATGT, đồng thời nhắc nhở, xử lý các hành vi tụ tập gây mất an ninh, trật tự, góp phần phòng ngừa phát sinh tội phạm. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát cơ động với các đơn vị đã đạt được hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, không để phát sinh các vụ khiếu kiện đông người, biểu tình, bạo loạn, khủng bố.
Ông Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
Yên Bái là địa bàn trải dài, khoảng cách từ huyện xa nhất (khu vực phía Tây) đến trung tâm tỉnh gần 200km, do đó, việc huy động lực lượng Cảnh sát cơ động xử lý các tình huống liên quan đến an ninh, trật tự rất khó khăn, đòi hỏi lực lượng CSCĐ của Công an tỉnh phải có đơn vị độc lập đóng quân tại khu vực phía Tây của tỉnh, đủ quân số, phương tiện cơ động hiện đại, đáp ứng kịp thời trong việc giải quyết tình hình liên quan đến an ninh, trật tự. Mặc dù đã được Bộ Công an quan tâm đầu tư nhưng phương tiện, thiết bị phục vụ chiến dấu của CSCĐ còn thiếu, chưa hiện đại, chưa có thao trường huấn luyện, chưa có nhà kho và điều kiện đảm bảo.
Hiện nay, Bộ Công an đang nghiên cứu xây dựng Đề án “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong đó xác định lực lượng Cảnh sát cơ động sẽ tiến lên hiện đại vào năm 2025. UBND tỉnh Yên Bái đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh kiến nghị Chính phủ sớm quan tâm đầu tư cho lực lượng Cảnh sát cơ động nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Ủy ban kiến nghị Chính phủ tăng cường biên chế, chỉ tiêu nghĩa vụ cho Bộ Công an; đồng thời kiến nghị Bộ Công an tăng cường biên chế và chỉ tiêu nghĩa vụ cho lực lượng Cảnh sát cơ động tại Công an các địa phương, trong đó ưu tiên cho các địa phương có địa bàn trọng điểm, chiến lược về an ninh như Yên Bái.
ông Nguyễn Quốc Luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Yên Bái
Theo ông Nguyễn Quốc Luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Yên Bái, Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình rất cao với việc Quốc hội sẽ thông qua Luật Cảnh sát cơ động, đặc biệt là trước bối cảnh hiện nay, việc ban hành luật là rất cần thiết. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng cho rằng, cần nghiên cứu có quy định về trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động và tính đến đặc thù của các địa phương, đặc biệt trong bối cảnh tình hình mới.
“Tại Yên Bái, nơi xa nhất từ trung tâm tỉnh đến đó là 200km. Chúng tôi di chuyển bằng xe bình thường phải mất 4-5 tiếng, còn xe chở quân phải mất 6-7 tiếng. Nếu trang thiết bị không tốt thì khi đến nơi để giải quyết, có khi sự việc đã xảy ra rồi”, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Cũng theo ý kiến tại buổi khảo sát, việc tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ Cảnh sát cơ động là rất kỹ lưỡng, nhưng thời hạn phục vụ 2 năm là quá ngắn, trong khi thời gian đào tạo, huấn luyện lại mất vài tháng. Do vậy sẽ rất lãng phí khi cán bộ chiến sỹ hết thời gian nghĩa vụ phải ra quân. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm việc tăng tỷ lệ cán bộ chiến sỹ đã hoàn thành nghĩa vụ được chuyển sang chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động cũng cần phù hợp với đặc điểm vùng miền, dân tộc, thực tế địa phương. Về chế độ chính sách với lực lượng này, các ý kiến cho rằng, Cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt với mô hình huấn luyện, chiến đấu tập trung, nhiều cán bộ chiến sỹ trẻ xa nhà, xa quê. Vì vậy cũng cần quan tâm trong dự án Luật để đề xuất có nhà công vụ, nhà gia binh nhằm ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ chiến sỹ an tâm công tác.
Đại tá Đặng Hồng Đức, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái
Theo Đại tá Đặng Hồng Đức, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh nói chung và Cảnh sát Cơ động tỉnh nói riêng nhận được rất nhiều sự quan tâm của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, phương tiện, trang thiết bị của Cảnh sát Cơ động tỉnh vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu với tinh thần 4 tại chỗ. Việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động là hết sức cần thiết, tạo cơ sở, giá trị pháp lý cao hơn so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.
“Khi có Luật thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động sẽ rõ ràng hơn. Từ đó anh em khi ra trận biết rõ mình được làm gì, không được làm gì, anh em cũng “chắc tay” hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi cũng rất mong Ủy ban quan tâm để luật quy định, quan tâm đến trang bị phương tiện, thiết bị và chế độ chính sách cho cán bộ chiến sỹ phải ở xa nhà, rất khó khăn nhưng nhiệm vụ lại thường xuyên”, đại tá Đặng Hồng Đức nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, xây dựng luật Cảnh sát cơ động sẽ đảm bảo rõ nét hơn vai trò của lực lượng này, nhất là trong bối cảnh đảm bảo ANTT, ATXH trong bối cảnh hiện nay, lực lượng này cần được quan tâm, có quy định một cách rõ ràng, đầy đủ về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, nhiệm vụ phải thực hiện, nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng đầy đủ về trang thiết bị và chế độ chính sách cho cán bộ chiến sỹ.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao sự quan tâm, trách nhiệm cao của tỉnh Yên Bái đối với việc góp ý, xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động. Đoàn khảo sát cũng ghi nhận những kiến nghị của tỉnh, đề xuất Quốc hội sớm thông qua Luật Cảnh sát cơ động, trong đó quan tâm về chức năng, nhiệm vụ và chế độ, chính sách đối với lực lượng này; xây dựng Cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt, đặc nhiệm để phòng chống khủng bố, giải cứu con tin, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Trưởng đoàn khảo sát cũng ghi nhận những ý kiến phát biểu, đóng góp ý kiến tại buổi làm việc. Đây sẽ là cơ sở để Đoàn tổng hợp phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới đây./.