ỦY BAN TÀI CHÍNH- NGÂN SÁCH THẨM TRA TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐIỀU CHUYỂN DỰ TOÁN KINH PHÍ

08/08/2018

Sáng 6/8, tại Hà Nội, tại phiên họp toàn thể lần thứ 27, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chuyển dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2017 chưa sử dụng của Tổng cục Thuế cho Tổng cục Hải quan.

Tham dự phiên họp còn có đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, cùng các thành viên Ủy ban. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp. 

Ủy ban Tài chính- Ngân sách thẩm tra về việc điều chuyển dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2017 chưa sử dụng của Tổng cục Thuế cho Tổng cục Hải quan

Theo Tờ trình của Chính phủ, căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH13 ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020 và ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành Hải quan tại văn bản số 1655/TB-TTKQH ngày 20 tháng 3 năm 2018 của Tổng thư ký Quốc hội; trên cơ sở kết quả thực hiện dự toán chi NSNN năm 2017, tình hình bố trí và khả năng thực hiện dự toán chi NSNN năm 2018 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và nhu cầu bổ sung kinh phí năm 2018 cho Tổng cục Hải quan để đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chuyển dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2017 chưa sử dụng của Tổng cục Thuế cho Tổng cục Hải quan.

Để khắc phục khó khăn về kinh phí hoạt động cho Tổng cục Hải quan; căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 52 và khoản 1 Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước về điều chỉnh dự toán thu, chi NSNN của các bộ, cơ quan trung ương và dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép điều chuyển 735 tỷ đồng (trong tổng số 1.880,6 tỷ đồng) dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2017 chưa sử dụng được chuyển sang năm 2018 của Tổng cục Thuế, để bổ sung dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2018 cho Tổng cục Hải quan.

Số kinh phí điều chuyển nằm ngoài tỷ lệ định mức bố trí dự toán chi NSNN các năm 2019, 2020 theo chế độ của 2 Tổng cục. Sau khi được điều chuyển kinh phí, Tổng cục Thuế phải chủ động sắp xếp, cân đối dự toán kinh phí được sử dụng năm 2018 còn lại để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao; Tổng cục Hải quan thực hiện quản lý, sử dụng dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động được bổ sung theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đúng tính chất nhiệm vụ chi được giao.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trình bày Tờ trình của Chính phủ

Thực tế, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động giao cho Tổng cục Hải quan thấp nhiều so với chế độ quy định (chỉ đạt trên 90% mức được bố trí theo chế độ). Trong đó, dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được bố trí bình quân 3 năm chỉ bằng 7,7% số vốn được trích theo cơ chế (bằng 10% kinh phí đảm bảo hoạt động). Bên cạnh đó, khi báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1094/NQ-UBTVQH13, do không đủ cơ sở để lượng hóa số giảm thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu dưới tác động của quá trình hội nhập ngày càng sâu với kinh tế quốc tế, nên việc xác định tỷ lệ % trên số thu được giao để phân bổ kinh phí bảo đảm hoạt động hằng năm cho Tổng cục Hải quan không phù hợp, dẫn tới thiếu hụt kinh phí so với nhu cầu cần đảm bảo.

Mặc dù rất cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị của Tổng cục Hải quan để đáp ứng yêu cầu mở rộng hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, chống buôn lậu, gian lận thương mại,...; nhưng việc bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục trong vòng 3 năm gần đây lại chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ đã được phê duyệt. Riêng năm 2018, nhu cầu chi đã đề xuất nhưng không được bố trí dự toán NSNN để thực hiện gồm: chi đầu tư xây dựng; kinh phí mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị và đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ kiến nghị điều chuyển 735 tỷ đồng (trong tổng số 1.880,6 tỷ đồng) dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2017 chưa sử dụng được chuyển sang năm 2018 của Tổng cục Thuế, để bổ sung dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2018 cho Tổng cục Hải quan thực chất là giảm số chuyển nguồn sang năm 2018 của Tổng cục Thuế để bổ sung dự toán chi, đáp ứng nhu cầu chi của Tổng cục Hải quan nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước là cần thiết. Việc điều chỉnh này không làm tăng tổng dự toán chi ngân sách nhà nước, chỉ là việc điều chỉnh nội bộ số chi của hai cơ quan Tổng cục của Bộ Tài chính, do đó việc điều chỉnh như Chính phủ là hợp lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Đinh Văn Nhã trình bày ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban

Cùng với đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2017 chưa sử dụng được chuyển nguồn sang năm 2018 của Tổng cục Thuế cho Tổng cục Hải quan là đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua thảo luận, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí phương án đề xuất của Chính phủ. Nhấn mạnh, qua theo dõi giám sát, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy 3 năm qua, Chính phủ phân bổ và giao vốn đầu tư cho Tổng cục Hải quan rất thấp, chỉ bình quân 40 tỷ đồng/năm so với mức bình quân 500 tỷ đồng theo quy định, do đó nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản và nhiệm vụ chi mua sắm trang thiết bị hiện đại hóa Hải quan bị chậm theo tiến độ so với yêu cầu hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về vấn đề này tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bảo Yến