ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI CHÍNH

21/03/2019

Tiếp tục chương trình làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018” với các bộ ngành, chiều 21/3, Đoàn giám sát có buổi làm việc với Bộ Tài chính về các Quỹ tài chính ngoài ngân sách thuộc Bộ.

Đoàn giám sát làm việc với Bộ Tài chính về Quỹ Tích lũy trả nợ và Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Giám đốc các Quỹ thuộc Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển

Báo cáo trước Đoàn giám sát về tình hình triển khai, tổ chức chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2013-2018, đại diện lãnh đạo Quỹ cho biết, Quỹ có nhiệm vụ quản lý tập trung, thống nhất, có hiệu quả các nguồn thu từ phần vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp, bao gồm các nguồn thu từ quá trình sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chi cho đầu tư phát triển, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, bổ sung vốn cho doanh nghiệp nhà nước hoặc duy trì tỷ lệ vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Với mục tiêu tạo nguồn lực và tập trung nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, về đầu tư công.

Sau hơn 5 năm thực hiện việc quản lý và sử dụng Quỹ theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, thực hiện thống nhất đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội trong việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc hình thành và quản lý tập trung nguồn thu về Quỹ đảm bảo được nhiệm vụ chi  theo Nghị quyết của Quốc hội đã góp phần đẩy nhanh tiền trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ kịp thời cho ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hỗ trợ chi đầu tư cho các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và Giám đốc các Quỹ ngoài ngân sách thuộc Bộ tại buổi làm việc

Tuy nhiên, nguồn thu Quỹ phụ thuộc vào kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi các hoạt động này cũng phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế xã hội, tình hình thị trường chứng khoán, tài chính trong nước và thế giới. Công tác thu hồi nợ đọng còn nhiều khó khăn do các đối tượng chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trả nợ, đối tượng nợ gặp tình hình tài chính khó khăn, phá sản, chế tài xử lý chậm nộp chưa hiệu quả. Do đó, nguồn thu của Quỹ còn hạn chế so với nhu cầu chi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước.

Còn thiếu thống nhất trong quy định của pháp luật

Trao đổi về những vướng mắc, hạn chế trong việc ban hành chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ, đại diện Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp cho biết, do cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn giữa quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (thẩm quyền ban hành của Quốc hội) và Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ). Quan điểm về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế hiện nay và quy định của Luật Ngân sách nước còn chưa nhất quán. Vì vậy cần có văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết mâu thuẫn này.

Cùng với đó, cơ chế quản lý Quỹ bị điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác cao hơn (Luật, Nghị định), do đó khi các văn bản này được sửa đổi, bổ sung thì cơ chế quản lý Quỹ cũng phải điều chỉnh. Việc không quy định điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến không đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Thực tế, một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành đã thay thế các văn bản là căn cứ ban hành Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg. Một số quy định liên quan đến nguồn thu, chi của Quỹ đã thay đổi như cơ chế xử lý nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, từ thoái vốn nhà nước; phát sinh nhiệm vụ chi chuyển vào ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội…

Theo quy định về về chi quỹ được quy định trong Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg thì phần lớn các khoản chi của Quỹ được chi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa thể hiện được vai trò giám sát của Quốc hội trong các nội dung chi; chưa bao quát các khoản chi của Quỹ mà thực tế phát sinh.

Thành viên Đoàn giám sát tại buổi làm việc 

Do đó, để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính kiến nghị trong thời gian Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết thì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg, hoặc giao Bộ Tài chính ban hành Quy chế tạm thời để tổ chức thực hiện, đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua. Đồng thời cần bổ sung chế tài đủ mạnh để bảo đảm thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu của Quỹ, bổ sung nội dung chi Quỹ mà thực tế phát sinh như các khoản chi chuyển về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, chi cho các hoạt động nghiệp vụ của Quỹ, chi thực hiện thu hồi các khoản đầu tư, thu hồi các khoản công nợ của Quỹ…

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đã đến lúc phải thay đổi tính chất của sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp, xử lý có hiệu quả nguồn thu, giải quyết những vấn đề phát sinh đầu tư hiệu quả, quản lý công khai, minh bạch. Do đó, ghi nhận phản ánh của Quỹ và Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng còn những tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ trong Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản dưới luật về thẩm quyền. Trên cơ sở các kiến nghị cụ thể của Bộ, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, nghiên cứu và có ý kiến trong báo cáo giám sát.

Bảo Yến