LÀM RÕ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ QUỸ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

26/03/2019

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018” với Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn giám sát cho rằng cần làm rõ định hướng phát triển của Quỹ phát triển công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nhằm phát huy hiệu quả hoạt động.

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia đóng góp cho sự phát triển của nghiên cứu cơ bản

Báo cáo trước đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học – Công nghệ cho biết, đối với Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP, đi vào hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ năm 2009. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Khoa học- Công nghệ 

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ bao gồm từ nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ bổ sung kinh phí hàng năm) và vốn ngoài ngân sách. Được vận hành theo cơ chế của Quỹ Khoa học phổ biến trên thế giới, cơ chế hoạt động của NAFOSTED đã dần được hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đồng thời phù hợp với môi trường, nguồn lực khoa học và công nghệ của Việt Nam. Hoạt động của Quỹ đã nhận được các đánh giá tích cực từ các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ cũng như từ cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Tổng kết hoạt động giai đoạn 2008-2018, NAFOSTED đã tài trợ cho trên 2.700 đề tài, 800 hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ. Các chương trình nghiên cứu cơ bản được tài trợ đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu thường xuyên với chất lượng cao, tiếp cận. Các ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sự thay đổi cơ bản, phát triển nhân lực, các chuyên ngành nghiên cứu và đóng vai trò quyết định trong việc giúp nhà khoa học nâng cao chất lượng nghiên cứu, tăng số lượng công bố khoa học quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc

Làm rõ hiệu quả hoạt động của Quỹ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, qua 10 năm hoạt động, Quỹ đã thể hiện được tính khách quan, minh bạch và đạt chuẩn mực quốc tế. Nếu như trước đây, khi chưa có Quỹ thì các kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế là gần như không có. Nhưng đến nay, với sự tài trợ của Quỹ đã có số lượng lớn (3498 bài) các sản phẩm khoa học là công trình công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Đặc biệt, Quỹ có ý nghĩa lớn với cộng đồng nhà khoa học trẻ, mở ra cơ hội nghiên cứu cho nhiều nhà khoa học trẻ với 55-65% các đề tài nghiên cứu cơ bản được tài trợ là của các nhà khoa học trẻ làm chủ nhiệm đề tài.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, cơ sở pháp lý và thực tiễn đã chứng minh sự cần thiết của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, hiệu quả hoạt động của Quỹ được các nhà quản lý và cộng đồng nhà khoa học ghi nhận. Vấn đặt ra hiện nay là làm sao ngày càng thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Quỹ, lan tỏa trong thực tiễn.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo công nghệ

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) được thành lập, hoạt động theo quy định tại Điều 39 của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, NATIF được tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, phù hợp với tình hình mới có sự cạnh tranh khốc liệt dựa vào công nghệ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ NATIF, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học – Công nghệ chia sẻ, sau 3 năm triển khai thực hiện, Quỹ đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Các đối tượng được Quỹ xem xét tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực được ưu tiên trong nông nghiệp, công nghiệp và y dược.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm, thành viên Đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc

Cụ thể Quỹ NATIF đã tiếp nhận gần 1000 đề xuất đổi mới công nghệ; phê duyệt và ký hợp đồng tài trợ có đối ứng cho 27 nhiệm vụ với tổng kinh phí đối ứng của doanh nghiệp là 782,5 tỷ đồng và tổng kinh phí do Nhà nước tài trợ là 268,1 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, mặc dù Quỹ NATIF mới đi vào hoạt động nhưng sự thành lập của Quỹ là vô cùng cần thiết trong bối cảnh đất nước hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, các quốc gia đều thành lập các quỹ về đổi mới công nghệ để tài trợ, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thông qua các dự án đổi mới công nghệ. Tại Việt Nam, Quỹ NATIF đã góp phần thực hiện định hướng thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong khi trước đây các chính sách phát triển khoa học công nghệ chưa thực sự tập trung vào đối tượng doanh nghiệp. Định hướng thời gian tới, Bộ tiếp tục nỗ lực quản lý sử dụng Quỹ theo hướng công khai, minh bạch, tạo cơ chế thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Làm rõ mô hình tính chất hoạt động bảo đảm hiệu quả của các Quỹ

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao vai trò, khẳng định Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là cần thiết cho sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà. Tuy nhiên hành lang pháp lý, cơ chế tài chính, mô hình hoạt động, cơ chế quản lý của hai Quỹ hiện tại khiến nhiều đại biểu còn băn khoăn như khả năng tự đảm bảo kinh phí hoạt động của các Quỹ, cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các Quỹ, tính minh bạch, công khai của các hoạt động tài trợ, hỗ trợ, và khả năng tiếp cận vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ.

Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung làm việc 

Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua báo cáo, trao đổi các vấn đề liên quan, Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý, sử dụng hai Quỹ bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, lấy chuẩn mực quốc tế để sàng lọc, đánh giá hiệu quả. Từ đó, hoạt động của hai Quỹ đã mang lại những thay đổi tích cực cho sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà thời gian qua.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đề nghị bổ sung hoàn thiện các báo cáo, trong đó tiếp tục làm rõ số liệu, kết quả hoạt động, làm rõ định hướng phát triển của Quỹ Phát triển công nghệ quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo đúng tính chất nhằm phát huy hiệu quả trên cơ sở khuôn khổ pháp luật hiện hành. Trong trường hợp cần thiết phải sửa đổi quy chế hoạt động, tăng cường kiểm soát và hướng tới mô hình xã hội hóa gắn với doanh nghiệp tăng tính chủ động, đặc biệt là gắn với thị trường của Quỹ NATIF.

Bảo Yến