Toàn cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo, tỉnh An Giang hiện có 20 Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước, trong đó có 5 Quỹ do Trung ương quản lý và 15 Quỹ do địa phương quản lý. Các Quỹ tài chính ngoài ngân sách này đã huy động thêm nguồn lực tài chính để thực hiện những mục tiêu nhất định; một số quỹ đã huy động được sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người lao động, huy động được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, qua đó có thêm được nguồn lực tài chính phục vụ cho các mục tiêu của cộng đồng hoặc của ngành và tác động tích cực đến việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hóa, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội phát sinh.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ rõ những quỹ nào hoạt động hiệu quả, những quỹ nào hoạt động chưa hiệu quả; khó khăn, vướng mắc là gì… Báo cáo với Đoàn, đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang cho biết, hiện có 5 Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn trong hoạt động, đó là Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo vệ môi trường. Chính vì thế, tỉnh An Giang kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu, ban hành một hệ thống khung pháp luật thống nhất điều chỉnh hoạt động của các Quỹ tài chính ngoài ngân sách như cơ chế tài chính của quỹ, cơ cấu bộ máy tổ chức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cũng như nâng cao tính độc lập, khả năng tự cân đối của quỹ, hạn chế tài trợ từ ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh những việc đã làm được, các quỹ ngoài ngân sách của An Giang cũng gặp phải một số hạn chế, bất cập: Hầu hết các Quỹ tài chính ngoài ngân sách do địa phương thành lập chưa có bộ máy hoạt động chuyên trách (trừ quỹ Đầu tư phất triển và quỹ Bảo vệ môi trường) các quỹ còn lại hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành về mô hình tổ chức và hoat động nên một số quỹ chưa xác định được hoạt động của quỹ thực hiện theo mô hình đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc hoạt động dưới hình thức tổ chức tín dụng.
Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sớm hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy và quy chế mẫu về cơ chế tài chính cho Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương. Đồng thời, đề nghị Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hướng dẫn về khung pháp lý và quy trình nghiệp vụ cho vay ưu đãi, tài trợ và cơ chế ủy thác nhận ủy thác về nguồn vốn của Quỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho Quỹ hoạt động.
Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang cũng đề nghị cần nghiên cứu, ban hành một hệ thống khung pháp luật thống nhất điều chỉnh hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách như cơ chế tài chính của Quỹ, cơ cấu bộ máy tổ chức hoạt động, năng lực cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ chung của quỹ, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các ngành, các cấp trong viêc thành lập, sự dụng các quỹ ngoài ngân sách để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải ghi nhận nỗ lực của An Giang trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải, tỉnh An Giang có một số quỹ hoạt động đạt hiệu quả cao, nhất là các quỹ phục vụ cho mục đính an sinh xã hội. Các báo cáo được chuẩn bị đầy đủ, chi tiết, đáp ứng được các vấn đề đoàn giám sát đặt ra. Đồng thời đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh tỉnh An Giang sắp xếp lại một số quỹ có tên nhưng không có tiền hoặc ít tiền để tinh gọn bộ máy và hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời ghi nhận các khó khăn, hạn chế cũng như kiến nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang để báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội./.