TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 14/8: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 14/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, giáo dục, đào tạo được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong các đột phá chiến lược để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung phiên họp.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó lấy đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là trọng tâm trong đổi mới giáo dục phổ thông.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51 ngày 21/11/2017 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Để xem xét, đánh giá toàn diện kết quả tổ chức thực hiện sau hơn 10 năm thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, kiến nghị để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết nêu trên, ngày 4/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23 về chương trình giám sát năm 2023 trong đó có giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chuyên đề giám sát đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của các cấp, các ngành và cử tri, Nhân dân. Trong quá trình thực hiện, Đoàn giám sát đã nhận được sự quan tâm sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đã thường xuyên chỉ đạo, cho ý kiến ngay từ ban đầu, 2 lần trực tiếp chủ trì làm việc, nêu vấn đề, yêu cầu những vấn đề trọng tâm cần thực hiện; các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý nhiều vấn đề sát đáng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu tại phiên họp thứ 24. Đoàn giám sát đã bám sát kế hoạch, triển khai các hoạt động đúng quy định, tiến độ, yêu cầu đã đề ra. Trên cơ sở kế thừa kết quả của các chuyên đề giám sát trước đây, Đoàn có một số đổi mới trong phương pháp tiếp cận, cách thức tổ chức, bảo đảm tính khoa học, khách quan, tổng hợp, xây dựng bộ tài liệu kỹ lưỡng.
Báo cáo kết quả giám sát đã đánh giá thẳng thắn, toàn diện các nội dung đề ra
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Đoàn giám sát; đồng thời phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hết sức sâu sắc, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm trong triển khai, thực hiện, nhất là 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình.
Các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các cơ quan tham dự phiên họp cơ bản đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội đã được cả hệ thống chính trị, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và quyết tâm cao, tạo ra chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương nhìn nhận, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế; khẩn trương triển khai các kiến nghị nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát để triển khai thành công Chương trình.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát danh mục văn bản hết hiệu lực của Luật Giáo dục 2005, khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Giáo dục 2019. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình theo lộ trình, tiến độ, chất lượng. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Rà soát, đánh giá tác động về việc tích hợp nội dung các môn học ở bậc trung học cơ sở, điều chỉnh kịp thời nếu thấy không phù hợp. Tiếp tục chú trọng việc hướng dẫn việc đổi mới nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa theo quy định của Luật giá vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa. Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục và việc sử dụng sách giáo khoa của học sinh.
Các đại biểu dự phiên họp.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, làm rõ trách nhiệm khi chưa có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước và xem xét trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo đúng Nghị quyết 88. Có cơ chế miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả. Việc in, phát hành, cung ứng sách khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo đúng tinh thần Nghị quyết 88.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, cần đặc biệt quan tâm tới chính sách đãi ngộ, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao và cho rằng, cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", "đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội". Cần phải ưu tiên bố trí đầy đủ ngân sách cho giáo dục và đào tạo theo quy định.
Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp đã biểu quyết, nhất trí với các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết. Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự để hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ bằng văn bản, có ý kiến của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề theo đúng quy định./.