DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ THUẾ (SỬA ĐỔI) BỔ SUNG NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI

31/08/2018

Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2018 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm đáp ứng được yêu cầu cải cách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cũng như yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế hiện nay.

Cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) diễn ra tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 29/8 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 và được sửa đổi, bổ sung ba lần, trong các năm 2012, 2014 và 2016. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý thuế cơ bản đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu khi ban hành.

Luật Quản lý thuế đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế. Đồng thời tạo sự đồng bộ, nâng cao tính rõ ràng minh bạch; tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như (i) Quy định về chính sách quản lý thuế chưa thay đổi kịp với sự thay đổi của chính sách tại từng sắc thuế. (ii) Quy định về việc xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của giao dịch thương mại toàn cầu, chưa hỗ trợ tốt cho mục tiêu hiện đại hóa cơ quan thuế. (iii) Chức năng, thẩm quyền của cơ quan thuế chưa được bổ sung kịp thời với diễn biến phức tạp của vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế trong thời gian qua, trong đó có việc xử lý các vi phạm pháp luật về trốn thuế, gian lận thương mại. (iv) Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung cơ sở pháp lý, phải tăng cường hợp tác, quản lý thuế quốc tế. (v) Quy định về địa vị pháp lý của các thiết chế trung gian giữa người nộp thuế và cơ quan thuế (đại lý thuế; tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn) chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện để hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. (vi) Một số quy định trong Luật quản lý thuế chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan và không còn phù hợp với thực tế, tính khả thi không cao…Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý thuế.

Theo Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), mục đích của việc xây dựng dự án Luật là nhằm xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý thuế thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện trên cở sở các nền tảng cơ bản: Thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.

Bổ sung quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, thủ tục khai thuế, tính thuế, nộp thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định: thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định hiện hành, cá nhân có duy nhất một nguồn thu nhập thì thực hiện khấu trừ tại nguồn và uỷ quyền quyết toán qua tổ chức chi trả. Đối với cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên thì phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế, nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn.

Qua quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập trong việc khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Để cải cách việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, giảm thiểu rủi ro trong hoàn thuế thu nhập cá nhân, dự thảo đã sửa đổi thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân: cho phép thời hạn là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch -  kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức Hội nghị tham vấn về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại Đà Nẵng

Tăng cường quản lý thuế

Để tăng cường quản lý, hạn chế rủi ro tiêu cực trong ấn định thuế, thuế khoán, dự thảo xác định rõ các trường hợp ấn định thuế, nguyên tắc ấn định thuế, làm rõ vai trò trách nhiệm của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường trong khoán thuế.

Mặt khác, dự thảo Luật làm rõ tiêu chí xác định các hộ, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ áp dụng thuế khoán dể phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc quy mô nhỏ thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai theo chế độ quy định, sẽ thúc đẩy các hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Về việc quản lý doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phòng chống chuyển giá, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nguyên tắc quản lý thuế với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; áp dụng cơ chế đơn giản hoá kê khai, xác định giá giao dịch liên kết với người nộp quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài.

Bổ sung quy định quản lý thuế thương mại điện tử

Kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh này, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo...thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài.

Để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Cao Anh Tuấn làm rõ một số điểm mới của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại hội nghị tham vấn về dự án luật do Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế trực tuyến, bổ sung quy định trách nhiệm các bộ, ngành các tổ chức liên quan đến thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện Chỉ thị số 26/TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, dự thảo luật đã bổ sung quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo nghị định về hoá đơn điện tử trình Chính phủ xem xét ban hành.

Thực tế, việc áp dụng hoá đơn điện tử, đặc biệt là hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế trong thời gian qua cho thấy, áp dụng hoá đơn điện tử giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính của doanh nghiệp và cơ quan thuế; giảm chi phí cho doanh nghiệp; khắc phục tình trạng làm giả hoá đơn, gian lận về hoá đơn, giảm chi phí lợi ích cho toàn xã hội... Trong khi các quy định hiện hành mới chỉ quy định về in, phát hành, sử dụng hóa đơn được xây dựng cơ bản để áp dụng quản lý đối với hóa đơn giấy. Do đó phải bổ sung quy định về hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp tháng 9/2018 tới trước khi trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6.

Bảo Yến