Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi và Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn điều hành hội thảo
Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi; Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội, đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Học viện Tài chính, các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các công ty tư vấn thuế và các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy; xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới.
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là sắc thuế gián thu cơ bản, có phạm vi tác động rộng lớn với hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp. Được ban hành lần đầu tiên vào năm 1997, Luật Thuế GTGT đã được sửa đổi toàn diện vào năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2013.
Sau thời gian dài thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thuế GTGT hiện đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhiều nội dung đã không còn phù hợp với thực tế và cần được xem xét, đánh giá như: phạm vi các đối tượng không chịu thuế đã làm cho nhiều trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dẫn đến tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; cơ cấu các mức thuế suất cũng cần được đánh giá lại một cách phù hợp, bao gồm cả thuế suất 0% áp dụng với dịch vụ xuất khẩu.
Thực tế thi hành Luật Thuế GTGT thời gian qua cũng cho thấy những bất cập của các quy định cho phép không kê khai nộp thuế đầu ra nhưng được khấu trừ thuế đầu vào; hay các cách hiểu khác nhau về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; việc thực hiện hoàn thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số vướng mắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các đối tượng chịu tác động của Luật, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, các cơ quan quản lý thuế về những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Thuế GTGT vừa qua, những yêu cầu, đòi hỏi mới từ thực tiễn cuộc sống đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Thuế GTGT và các đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách thuế GTGT trong thời gian tới.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 6 tham luận của các cơ quan chức năng tập trung vào các vấn đề then chốt trong thiết kế chính sách thuế GTGT, đặc biệt là các vấn đề về hợp lý hoá cơ sở thuế, khả năng thu hẹp đối tượng không chịu thuế một cách phù hợp....
Đại diện các cơ quan, các chuyên gia, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã trao đổi thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật về thuế GTGT, làm sáng tỏ hơn một số nội dung của dự thảo luật như: khả năng hợp lý hoá các mức thuế suất thuế GTGT hiện hành, đánh giá sâu về tính phù hợp của mức thuế suất phổ thông 10%, các xu thế và định hướng dài hạn hơn... Nhiều ý kiến đề nghị thu hẹp và tiến tới loại bỏ mức thuế suất 5%; tập trung đánh giá kỹ mức thuế suất 0% áp dụng đối với xuất khẩu, đặc biệt là với lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về chính sách hoàn thuế, chính sách thuế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới…, qua đó, đề xuất nhiều nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn các quy định của luật hiện hành.
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá cao các nội dung tham luận cũng như các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các đại biểu; nhấn mạnh, các ý kiến tại hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin đầu vào hết sức thiết thực, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.