Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về nội dung thảo luận kinh tế, xã hội vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường tăng cường các biện pháp về phân cấp, phân quyền gắn với cả trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện công tác giải ngân. Đồng thời khẩn trương ra soát những vấn đề vướng mắc về Luật đầu tư công và các luật có liên quan về đất, xây dựng, quy hoạch và báo cáo các cấp có thẩm quyền để có các hướng dẫn tháo gỡ kịp thời, hướng tới đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao hơn trong quý III và IV của năm 2021.
Phóng viên: Thưa ông, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp là một thách thức không nhỏ đối với hoạt động thu ngân sách Nhà nước năm 2021. Ông có thể chia sẻ đánh giá của cá nhân ông về nội dung này ?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn: Nhờ thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong giai đoạn những tháng đầu năm từ tháng 1 đến tháng 4/2021, việc tăng trưởng kinh tế cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu của một số ngành hàng đạt kết quả rất tích cực. Nhờ vậy, doanh thu ở 3 khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư tư nhân đều đạt vượt trên 52%, tổng thể đạt 58,2% và tăng trên 16 % so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trước làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 hiện nay đã có 19 tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Đây đều là những trung tâm kinh tế, sản xuất công nghiệp, cũng như những vùng nông nghiệp lớn của cả nước. Điều đó sẽ tác động rất lớn đến tình hình tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Đòi hỏi chúng ta phải thực hiện rất quyết liệt chủ trương phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tiếp cận càng nhanh càng tốt việc tiêm vắc-xin để tiến tới miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian để khẳng định diễn biến dịch bệnh khi nào giảm hay khi nào kết thúc là một vấn đề khó khăn. Chúng ta nỗ lực quyết tâm để vừa chống đứt gãy các chuỗi cung ứng trong sản xuất cũng như trong tiêu dùng để giữ được các ngành hàng, đặc biệt là các trung tâm sản xuất và công nghiệp ở các tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội, từ đó chúng ta có thể phấn đấu đạt kết quả thu tốt hơn.
Phóng viên: Trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp về thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp. Để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta cần giải pháp như nào, thưa ông ?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn: Bên cạnh việc thúc đẩy phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, trong lĩnh vực quản lý thu, chúng ta cũng phải thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc ổn định sản xuất cũng như miễn, giảm các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, gia hạn tiền thuê đất v.v…Trong thời gian qua, kết quả đạt được khá tích cực, từ năm 2020 đến tháng 6 đầu năm 2021, chúng ta đã thực hiện là giãn thuế, lệ phí là 147 nghìn tỷ đồng. Đồng thời chi 21,4 nghìn tỷ đồng cho công tác dịch bệnh, trong đó có cả việc mua vắc-xin.
Về việc bố trí ngân sách để mua vắc-xin, ngân sách nhà nước đã bố trí 17 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ hỗ trợ phòng chống vắc-xin đã huy động được sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân, cho đến thời điểm này cũng đạt trên 8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chúng ta có đủ khoảng 25 nghìn tỷ đồng để bố trí cho việc tiêm vắc-xin. Bây giờ, vấn đề đặt ra là chúng ta phải tiếp cận được với nguồn cung vắcxin và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin. Tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống dịch. Từ kết quả phòng dịch này, chúng ta mới có thể tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế.
Phóng viên: Giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông, giải pháp tháo gỡ cho kế hoạch của năm tới và giai đoạn 2021-2025 sẽ cần tập trung những vấn đề gì?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn: Năm 2020, với sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như sự giám sát của Quốc Hội, kết quả giải ngân được kết quả rất cao, đạt gần 98% kế hoạch. Tuy nhiên, khi bước vào năm 2021, 6 tháng đầu năm, chúng ta mới đạt được khoảng 29,2% dự toán, thấp hơn mức cùng kỳ năm năm 2020. Các nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm cũng một phần do tác động rất lớn từ dịch Covid-19.
Thứ hai, năm 2021 có trường hợp tăng giá các nguyên vật liệu như là sắt, thép, đất đắp nền của các dự án quan trọng quốc gia như tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông. Bên cạnh đó là các nguyên nhân đã diễn ra từ nhiều năm, trong đó nổi bật là vấn đề giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, chọn thầu cũng mất thời gian. Bên cạnh đó về công tác chuẩn bị dự án, nhiều dự án chưa được ký dẫn tới phải điều chỉnh dự án nhiều lần và chưa triển khai được. Đây là những vấn đề mà Chính phủ cần hết sức quan tâm để thúc đẩy trong thời gian tới.
Qua giám sát, chúng tôi cũng được biết rằng Chính phủ mới tổ chức một Hội nghị trực tuyến trong toàn quốc để bàn về các giải pháp tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, và ra Nghị quyết để triển khai thực hiện vấn đề này. Trong đó đặt ra mục tiêu đến hết quý III, giải ngân được 60% và cả năm cố gắng đạt được 95%. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước, đòi hỏi phải giải ngân quyết liệt, có biện pháp quyết liệt, đảm bảo thực hiện mục tiêu này. Trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường tăng cường các biện pháp về phân cấp, phân quyền gắn với cả trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện công tác giải ngân. Đồng thời khẩn trương rà soát những vấn đề vướng mắc về Luật đầu tư công và các luật có liên quan về đất, xây dựng, quy hoạch và báo cáo các cấp có thẩm quyền để có các hướng dẫn tháo gỡ kịp thời, hướng tới đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao hơn trong quý 3 và 4 của năm 2021.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!