Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Luật Quản lý nợ công, được Quốc hội Khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 5, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các khuôn khổ về quản lý nợ công. Tuy nhiên, sau quá trình thực thi, Luật cũng đang bộc lộ những bất cập. Ví dụ, Luật quy định Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm thống nhất việc quản lý nhà nước đối với nợ công, song lại chưa quy định một cơ quan quản lý nợ thống nhất và chuyên biệt thuộc Chính phủ. Các quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền các địa phương… cho thấy, thẩm quyền vay nợ, trả nợ, và quản lý nợ vẫn nằm ở nhiều bộ, ngành, cơ quan khác nhau, dẫn đến khó khăn trong quản lý nợ theo hướng thống nhất cũng như việc xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Quản lý nợ công, bản chất là quản lý nợ của quốc gia và suy cho cùng cũng là nợ của người dân. Trong bối cảnh, Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế vào năm 2017-2018, đã đến lúc phải chuẩn bị tinh thần để bước vào thời kỳ tiếp cận, huy động các nguồn vốn vay đắt hơn và với các điều kiện khắt khe hơn. Thực tế này đòi hỏi cần có sự cân nhắc, tính toán thận trọng hơn trong việc vay nợ, và quan trọng hơn là quản lý, sử dụng nợ công phải thực sự chặt chẽ, hiệu quả.
Hiện nay, nợ công của nước ta vẫn trong giới hạn an toàn, nhưng đã tiến sát mức trần Quốc hội cho phép, đang và sẽ là vấn đề phải quan tâm trong hoạch định chính sách tài khóa nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung. Xuất phát từ yêu cầu quản lý nợ an toàn, bền vững, hiệu quả phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong trung hạn, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 25 về Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm an toàn nợ công, nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP... Đồng thời cũng nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nợ công theo hướng điều chỉnh phạm vi nợ công hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế của Việt Nam. Trên cơ sở những nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo trao đổi thẳng thắn, chia sẻ bài học kinh nghiệm, đưa ra những kiến nghị, giải pháp trong quản lý nợ công của Việt Nam.
Cũng tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại- Bộ Tài chính Trương Hùng Long cho biết, hiện Bộ đã xây dựng dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 chương, 67 điều, bổ sung 3 chương mới so với Luật Quản lý nợ công năm 2009. Cụ thể là những quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, bảo đảm khả năng trả nợ nợ công; sửa đổi 44/49 điều và bổ sung 18 điều so với Luật năm 2009. 5 nhóm vấn đề hiện đang còn ý kiến khác nhau của dự thảo, gồm: phạm vi của nợ công có nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước hay không? Việc phân công nhiệm vụ nên giao cho 3 cơ quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, trong đó Bộ Tài chính thống nhất quản lý, huy động), hay giữ như hiện hành? Có nên quy định mức phí rủi ro cho vay lại hay không, nếu có thì nên quy định cụ thể ngay trong Luật, hay giao Chính phủ hướng dẫn, xác định mức phí? Thẩm quyền quyết định danh mục dự án ưu tiên cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 5 năm nên giao Ủy ban thường vụ Quốc hội hay Chính phủ quyết định?…