Trình bày tóm tắt báo cáo kết quả của Chính phủ về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017, đại diện Bộ Tài chính cho biết, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt tập trung thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển hành động, phục vụ nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thực hiện quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đề ra mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực. Nhiều bộ ngành, địa phương đã xây dựng và thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của bộ, ngành, địa phương mình bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp Chính phủ đề ra. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 129/2017/TT-BTC quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi thường xuyên, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí đối với các cấp ngân sách địa phương và cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng trình bày nội dung thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban
Một số giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí được triển khai đạt kết quả như thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước từ khâu, lập, phân bổ, giao dự toán. Đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, hạn chế mua sắm xe ô tô, trang thiết bị đắt tiền. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vốn vay do Chính phủ bảo lãnh, vay của chính quyền địa phương và vay của doanh nghiệp nhà nước. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước…
Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ còn bộc lộ một số vướng mắc hạn chế như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, chưa đồng bộ; chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá tổ chức thực hiện. Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, chính sách tuy đã có nhiều cải thiện những còn hạn chế. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Luật trong việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị làm rõ các nội dung đánh giá tiết kiệm trong xây dựng văn bản
Trong năm 2018, Chính phủ đề ra giải pháp tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và kế hoạch tài chính 5 năm; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, siết chặt kỷ luật tài chính- ngân sách nhà nước; tiết kiệm triệt để kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước cho các khoản chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, đoàn ra, đoàn vào. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ và tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cơ bản tán thành với những nội dung đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả bộ máy chính trị, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2107 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã tạo ra tiền đề cần thiết để đạt được những kết quả tích cực.
Chính phủ đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng thời ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị để chấn chỉnh công tác quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp... Đồng thời, sát sao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước cơ bản tuân thủ các quy định của luật và nghị quyết của Quốc hội.
Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách Hà Thị Minh Tâm đề nghị cần có thêm đánh giá về tình hình thực hiện các thiết chế văn hóa
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến của các thành viên Ủy ban đều đánh giá cao sự chuẩn bị và nội dung của báo cáo là tương đối đầy đủ, toàn diện. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, nội dung của báo cáo cần có đánh giá rõ ràng hơn về các yếu tố ảnh hưởng hiệu quả ban hành văn bản trong quản lý điều hành như dự toán kinh phí cho xây dựng văn bản, quy trình thủ tục, thời gian ban hành, tính khả thi, dễ hiểu của văn bản; làm rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn định mức để đánh giá tiết kiệm, chống lãng phí; tính công khai và việc chấp hành các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung nội dung về việc xử lý các hành vi vi phạm, không tuân thủ các quy định của Luật Phòng chống tiết kiệm chống lãng phí; đồng thời đề rõ các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm để các ngành, địa phương chú trọng thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 23 tới. Theo đó, báo cáo thẩm tra sẽ làm rõ các đánh giá tình hình chung, làm nổi bật một số kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tình trạng lãng phí trong một số lĩnh vực, đơn vị; bổ sung các số liệu chứng mình nhận định cụ thể; chỉ rõ trách nhiệm cũng kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.