Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ ngành có liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2016, Bộ Y tế triển khai 22 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn này, với tổng vốn vay là hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án chuyển từ giai đoạn trước sang, 17 dự án triển khai trong giai đoạn 2011-2016. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, trong các chương trình, dự án triển khai, chỉ có một dự án có cấu phần vay lại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, còn 21 dự án còn lại thuộc diện NSNN cấp phát 100%. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2011-2016, công tác quản lý ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có nhiều các văn bản quy phạm pháp luật được thay thế, sửa đổi. Tương ứng với từng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế đã thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, quy định có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày báo cáo
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, số lượng dự án, chương trình do Bộ Y tế triển khai nhiều, song nội dung đầu tư chủ yếu về hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người nghèo và cận nghèo; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, dự phòng; đào tạo nâng cao năng lực y tế.... Qua quá trình triển khai chính sách, pháp luật liên quan, Bộ Y tế nhận thấy, khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư của tất cả các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tại thời điểm năm đầu lập kế hoạch như quy định của Luật Đầu tư công. Bởi các dự án sử dụng vốn vay ODA hay vốn vay ưu đãi thường tùy thuộc vào thời gian đàm phán, thẩm định của nhà tài trợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách, Trưởng đoàn giám sát phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế trong thời gian qua. Trưởng đoàn Đoàn giám sát nhấn mạnh, bên cạnh nguồn vốn xã hội hóa, thì nguồn vốn vay nước ngoài có vai trò quan trọng trong tăng cường cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực khám chữa bệnh, dự phòng y tế thời gian tới..., đồng thời đề nghị Bộ cần đánh giá cụ thể một số khó khăn, vướng mắc hiện đang tồn tại trong ngành y tế, chỉ rõ nguyên nhân của những vướng mắc này, qua đó xác định giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, góp phần bảo đảm hiệu quả của từng dự án, chương trình đầu tư.