GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TẠI CẨM PHẢ

27/03/2019

Chiều 26/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018 do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Cẩm Phả.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND thành phố Cẩm Phả về công tác PCCC

Thành phố Cẩm Phả là đô thị loại II nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Với đặc thù là một thành phố công nghiệp, trọng điểm là ngành công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, cảng biển, xuất nhập khẩu. Bên cạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, các loại hình dịch vụ, sinh hoạt trên địa bàn cũng phát triển như nhà hàng, quán ăn, karaoke.

Hiện thành phố Cẩm Phả có 700 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn, trong đó số cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ là 539 cơ sở chủ yếu là các nơi tập trung đông người như chợ, nhà chung cư, trụ sở cơ quan, cở sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng… đây là những nguy cơ gây cháy nổ cao.

Ông Nguyễn Hồng Dương - Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả, báo cáo về công tác PCCC trên địa bàn

Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Nguyễn Hồng Dương, Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả cho biết: Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền pháp luật các kiến thức, kĩ năng PCCC. Thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở, địa phương. Bên cạnh đó, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến đầu tư cho công tác PCCC. Chính vì vậy mà trong 5 năm qua, trên địa bàn không để xảy ra vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, công tác kiểm soát, dập tắt đám cháy, cứu nạn cứu hộ được triển khai kịp thời, không có người tử vong trong các đám cháy.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Than Đèo Nai – Vinacomin trên địa bàn thành phố Cẩm Phả

Ghi nhận những kết quả PCCC mà thành phố Cẩm Phả đạt được thời gian qua, tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng đặt ra một số vấn đề liên quan đến các vụ cháy rừng, các vụ hỏa hoạn nhưng trong Báo cáo đề cập lại chung chung, thiếu cụ thể cũng như nguyên nhân của các vụ việc... Đoàn đã yêu cầu làm rõ thêm 1 số nội dung như: Việc xử lý cơ sở chưa mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ theo quy định? Cần làm rõ nguyên nhân các vụ cháy? Hay về công tác nghiệm thu PCCC?

Ông Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng: “Bảo hiểm phòng tránh cháy nổ là bắt buộc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ đã được quy định vậy, với các trường hợp không mua bảo hiểm thì thành phố sẽ có phương án xử lý ra sao?”

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp - Phó Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Lê Thị Nga ghi nhận những kết quả đạt được của thành phố Cẩm Phả trong công tác PCCC, đặc biệt là việc triển khai ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PCCC cũng như công tác tuyên truyền đến người dân và các cơ sở, địa phương trên địa bàn thành phố; đồng thời nhấn mạnh, nơi nào cấp ủy chính quyền chỉ đạo triển khai quyết liệt thì công tác PCCC tại địa phương đều có hiệu quả cao.

Về vai trò của người đứng đầu trong công tác PCCC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định: “Cần xác định rõ vai trò của người đứng đầu. Đơn vị nào mà có vi phạm nghiêm trọng về PCCC thì cần quy trách nhiệm một cách rõ ràng”. Đồng thời đề nghị việc xây dựng quy chế phối hợp PCCC với các ngành, địa phương để xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các cơ sở và đơn vị về vị trí, vai trò quan trọng của công tác PCCC.

Trọng Hiếu