ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM LÀM VIỆC TẠI HUYỆN LỘC BÌNH, LẠNG SƠN

26/08/2019

Chiều 26/8, tại tỉnh Lạng Sơn, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, đã chủ trì cuộc làm việc với UBND huyện Lộc Bình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Lộc Bình là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, với dân số 88.719 người trong đó trẻ em là 24.595 em. Trong những năm qua, kinh tế huyện Lộc Bình phát triển, trẻ em được quan tâm chăm sóc tốt hơn cả về vật chất cũng như tinh thần. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra một số tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, đã có 11 trẻ em bị xâm hại trên địa bàn. Đa phần các đối tượng là hàng xóm, họ hàng hay quen biết qua mạng xã hội. Các đối tượng thường lợi dụng mối quan hệ quen biết với nạn nhân là trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại (hiếp dâm, giao cấu, đánh đập…) Các hành vi xâm hại không chỉ gây hậu quả tổn thương về sức khỏe, tinh thần, thiệt hại về tài sản cho trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục.

Đoàn giám sát làm việc với Uỷ ban nhân đân huyện Lộc Bình 

Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như: Công tác tuyên truyền; việc tiếp nhận thông tin tố giác, xử lý đối tượng cũng như những khó khăn công tác giám định…

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định, quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chính sách ưu tiên hàng đầu trong bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga đánh giá cao công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em của huyện Lộc Bình thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Như những cách làm mới, mô hình mới sát với thực tiễn địa phương, như trong trường nội trú cấm trẻ dùng điện thoại thông minh…

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng chỉ ra những bất cập trong thực tế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn như: công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề còn hạn chế, nhiều cán bộ tại các cơ sở giáo dục chưa được được đào tạo bài bản hay cần dự báo nguy cơ, diễn biến tình trạng xâm hại trẻ em trong thời gian tới…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu Huyện cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trực tiếp kiểm tra nhà ăn, chỗ ở của học sinh nội trú

+ Trước đó, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực tế về thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em tại 2 cơ sở gồm trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS và PTTH huyện Lộc Bình, và tại Trung tâm Hy vọng Lộc Bình./.

Trọng Hiếu