+ Sáng ngày 4/10, Đoàn giám sát làm việc với lãnh đạo quận Thanh Khê, nghe cơ quan này báo cáo kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn quận.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND quận Thanh Khê
Theo báo cáo, giai đoạn từ 01/01/2015 đến thàng 6/2019, trên địa bàn quận Thanh Khê có 20 trẻ em bị xâm hại, trong đó 12 em nữ và 8 em nam. Trong đó, có 9 em bị xâm hại tình dục. Toàn quận đã triển khai 12 mô hình tại các hội, đoàn thể trong đó có gia đình, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, góp phần phòng ngừa xâm hại trẻ em.
Trước con số 39% các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em được xử lý hình sự, bà Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu quận Thanh Khê nêu rõ chi tiết các vụ việc. Đại diện VKSND quận Thanh Khê đã báo cáo đầy đủ trước đoàn giám sát về những vụ việc được khởi tố hình sự, theo đó hầu hết là những vụ việc xảy ra ngoài trường học, các em nhỏ mâu thuẫn do chơi game dẫn đến đánh nhau gây thương tích.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phát biểu ý kiến
Đại diện VKSND tối cao cũng yêu cầu quận Thanh Khê làm rõ những biện pháp để phát hiện vi phạm, hành vi tội phạm cụ thể nhất trong môi trường mạng, giai đoạn kiểm soát tiếp nhận phân loại tin báo tố giác tội phạm, đưa những khó khăn trong quá trình khởi tố vụ án. Cơ quan thực thi pháp luật tại quận Thanh Khê cho biết, công tác hỗ trợ nạn nhân có nguy cơ bị xâm hại chưa được tốt. Cơ quan chức năng mới chỉ tập trung trừng phạt đối tượng phạm tội mà chưa chú trọng can thiệp đối với trẻ đã bị xâm hại, bao gồm cả chăm sóc trẻ cũng như biện pháp bảo vệ bí mật đời tư của các em.
Đoàn Giám sát thực tế địa bàn quận Thanh Khê
Quận Thanh Khê kiến nghị rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em; Tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em; đề nghị Tòa án hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều khoản trong Bộ luật hình sự quy định về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung. Cũng trong sáng 4/10, Đoàn giám sát đã có chuyến đi khảo sát thực tế tại 2 trường học trên địa bàn quận Thanh Khê. Tại đây, Đoàn đã trực tiếp khảo sát về kiến thức phòng, chống xâm hại của các em học sinh.
+ Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo với Đoàn giám sát về công tác phòng, chống xâm hại của địa phương. Theo đó, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, tại thành phố Đà Nẵng xảy ra 64 vụ xâm hại trẻ em, tập trung chủ yếu ở các hình thức xâm hại tình dục và cố ý gây thương tích. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em phần lớn là nam giới và người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình... Đáng ghi nhận, tại Đà Nẵng không có trẻ em bỏ nhà đi lang thang, số trẻ em bỏ học đi lao động không đáng kể, chỉ có 55 em. Công tác giám sát của ngành lao động thương binh xã hội và Hội phụ nữ đối với việc phòng chống xâm hại trẻ em được chú trọng.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bà Ninh Thị Hồng – Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, thành viên Đoàn giám sát, biểu dương công tác chuẩn bị báo cáo đầy đủ của Đà Nẵng, đồng thời kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng tham gia giám sát để đẩy mạnh hiệu quả trong công tác bảo vệ trẻ em.
Trong khi đó, bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng có cơ chế xã hội hóa việc lắp camera ở các trường học, tạo thuận lợi cho công tác giám sát.
Kết luận tại buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga – Trưởng Đoàn giám sát, đánh giá cao kết quả mà Thành phố Đà Nẵng đạt được trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Các văn bản pháp luật về lĩnh vực này được ban hành kịp thời, việc triển khai xuống cơ sở tốt. Việc chỉ đạo của cấp ủy chính quyền được bài bản.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga phát biểu kết luận nội dung làm việc
Bà Lê Thị Nga yêu cầu Thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới cần thực hiện tốt Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em 2017, đồng thời tập trung quản lý, giúp đỡ nhóm trẻ có nguy cơ xâm bị hại cao là trẻ có bố mẹ ly hôn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ trong gia đình khó khăn. Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại, cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.
Đối với những kiến nghị của Thành phố Đà Nẵng, Đoàn giám sát ghi nhận, sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội trong thời gian tới./.