MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC VÀ XÂM HẠI TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH

03/01/2020

Sáng 03/12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Lê Thị Nga chỉ đạo hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan tổ chức hữu quan.

Tại hội thảo các đại biểu đã nghe trình bày tham luận và trao đổi về các nội dung nhận diện những vấn đề đặt ra trong thực hiện pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình; đưa ra đề xuất, khuyến nghị về chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.

Dưới đây là một số hình ảnh tại hội thảo:

Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình”

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đánh giá công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vai trò của giáo dục gia đình trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em 

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam trình bày tham luận về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình

Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Tp.Hồ Chí Minh, luật sư Trần Ngọc Nữ kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình từ thực tiễn tham gia tư vấn pháp luật, bảo vệ nạn nhân là trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong môi trường gia đình

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề thực trạng của bạo lực và xâm hại trẻ em là do pháp luật hay do tổ chức thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị cũng cần có đánh giá về bạo lực học đường, vấn đề trẻ em gây ra bạo lực và xâm hại với trẻ em; đề nghị các Bộ ngành hữu quan làm rõ việc bố trí ngân sách, công tác cán bộ cho công tác phòng,chống bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, qua thực tiễn giám sát cho thấy công tác tuyên truyền không hiệu quả, giáo dục kiến thức kĩ năng chưa đạt yêu cầu, chưa sát thực tiễn, chưa hướng đến đối tượng là trẻ em, trẻ em chưa nhận thức được đầy đủ về xâm hại, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ khẳng định hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em của nước ta hiện nay tương đối đầy đủ và tiến bộ, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan chưa hiệu quả

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng một số nhận định, đánh giá, nguyên nhân của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em còn chưa thực sự sát, đúng với tình hình nông thôn. Đại biểu lưu ý, quan hệ xã hội không chỉ được điều chỉnh bởi pháp luật mà còn được điều chỉnh bởi đạo đức, phong tục, tập quán; tuy nhiên yếu tố đạo đức, phong tục tập quán chưa được áp dụng hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, qua giám sát nổi lên một số vấn đề trong hệ thống thông tin số liệu, chưa có nguồn lực riêng tập trung cho phòng, chống xâm hại trẻ em; rà soát đội ngũ cán bộ hoạt động kiêm nhiệm,  cộng tác viên để có đánh giá, phối hợp bồi dưỡng; cần có thêm nghiên cứu bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cần xác định và nhận thức rõ về tình hình bạo lực gia đình là vấn đề phổ biến,  còn xâm hại tình dục gia đình là vấn đề rất nghiêm trọng nhưng có phải phổ biến hay không, cần xác định rõ.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết hiện nay không thiếu cơ chế, chính sách trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong gia đình, ngoài các Luật còn có các chương trình, kế hoạch như Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, chương trình giáo dục và đề án về phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình, gia đình bền vững, thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tuy nhiên còn có khó khăn vướng mắc do cơ cấu tổ chức hiện nay chưa có sự hợp lý tron gphaan công nhiệm vụ trách nhiệm quản lý ở các bộ ngành

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát Lê Thị Nga phát biểu kết luận hội thảo và đề nghị có phân loại nhóm kiến nghị chung cho giám sát, nhóm kiến nghị phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình./.

Bảo Yến