BỔ SUNG THÊM ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ

08/08/2018

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 26, sáng 08/8, cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu Dự án Luật Đặc xá(sửa đổi), các thành viên UBTVQH tán thành việc bổ sung đối tượng được đề nghị đặc xá là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu một số vấn đề của báo cáo giải trình, tiếp thu

Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước được quy định trong Điều 11 của Dự thảo Luật Đặc xá(sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, chỉ quy định 02 đối tượng được đề nghị đặc xá gồm: người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù và người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, quy định này chưa thật sự công bằng đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì: theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) thì người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là người đang chấp hành án nhưng vì các lý do như: sức khỏe, mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi... nên được tạm đình chỉ chấp hành; do vậy, nếu họ có đủ điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt và các điều kiện khác để xét đặc xá mà lại không thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá là chưa phù hợp. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài 02 đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga phân tích, khoản 2 Điều 66 BLHS quy định một số đối tượng không được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Tuy nhiên, chế định đặc xá và tha tù trước thời hạn có tính chất khác nhau. Nếu Luật Đặc xá tiếp tục quy định những đối tượng này không được đặc xá thì sẽ không thể hiện đúng tính chất của đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, đồng thời những đối tượng này sẽ mất đi động lực cải tạo tốt để nhận được sự khoan hồng của Nhà nước. Vì vậy, Uỷ ban Tư pháp đề nghị cho giữ như dự thảo Luật, quy định xét đặc xá cả với những đối tượng không được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cũng chỉ ra rằng, theo quy định của BLHS thì người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù là người chưa thi hành án. Người đang chấp hành án treo thực chất là được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Như vậy, những đối tượng này đều đang ở ngoài xã hội và chưa phải vào trại giam để chấp hành án phạt tù. Nếu quy định người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá sẽ không đáp ứng các điều kiện về thời gian đã chấp hành án, về ý thức cải tạo và không bảo đảm công bằng với các đối tượng khác. Với người đang chấp hành án treo thì BLHS đã có quy định giao Tòa án quyết định rút ngắn thời gian thử thách ngoài xã hội đối với họ nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ. Vì vậy, Uỷ ban Tư pháp đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người đang được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù và người đang thi hành án treo. Ngoài ra, điều 11 của Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước: Điều kiện về ý thức, thái độ chấp hành hình phạt tù; Điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt tù; Điều kiện về chấp hành án phí, các khoản tiền phạt; Điều kiện về thực hiện nghĩa vụ bồi thường và các nghĩa vụ dân sự

Ngoài các vấn đề đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật như: trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động đặc xá; phân biệt rõ thẩm quyền của Tổ thẩm định liên ngành, thẩm quyền của Hội đồng tư vấn đặc xá; làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá; bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước... Đồng thời, đã chỉnh lý về bố cục, kỹ thuật văn bản để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Tư pháp, trong đó báo cáo đã tiếp thu rất đầy đủ nhiều ý kiến các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc mở rộng hay không mở rộng một số đối tượng được đề nghị đặc xá; thực hiện nghĩa vụ về tài chính có sự giải trình hợp lý hoặc các thời điểm liên quan đến việc tổ chức xem xét đặc xá.

Cho ý kiến vào nội dung cụ thể, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải góp ý vào điều luật liên quan mật thiết đến Điều 11, đó là quy định về thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá, dự thảo Luật có nêu, khi có Quyết định về đặc xá, Chủ tịch nước quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá gồm một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và các uỷ viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức sau: Bộ Công an;Bộ Quốc phòng;Bộ Tư pháp;Bộ Ngoại giao;Toà án nhân dân tối cao;Viện kiểm sát nhân dân tối cao;Văn phòng Chủ tịch nước;Văn phòng Chính phủ; Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cơ quan, tổ chức khác có liên quan do Chủ tịch nước quyết định khi thấy cần thiết. Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm các cơ quan dân cử trong Hội đồng tư vấn đặc xá.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở sự đồng thuận cao của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Thường vụ Quốc hội giao lại cho Ủy ban Tư pháp phối hợp với Bộ Công an hoàn chỉnh lại toàn bộ dự thảo của Luật Đặc xá này, hoàn thiện lại báo cáo giải trình, tiếp thu để gửi các đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra kỳ họp 6 thông qua vào cuối năm nay./.

 

Hồ Hương