Tại phiên họp các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến các quy định mới bổ sung của dự thảo luật về việc thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
Để bảo đảm thống nhất hệ thống tổ chức thi hành án hình sự và không làm phát sinh đầu mối mới về cơ quan quản lý thi hành án hình sự, dự thảo Luật quy định theo hướng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Tờ trình của Chính phủ lý giải, do lĩnh vực kinh doanh hoạt động, hoạt động của pháp nhân thương mại rất rộng, chịu sự quản lý, cấp phép bởi nhiều cơ quan khác nhau; đồng thời các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân rất đa dạng, vì vậy về cơ quan thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, dự thảo Luật quy định theo hướng có sự kết hợp giữa cơ quan chuyên trách về thi hành án hình sự và các cơ quan tổ chức khác liên quan đến hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội.
Theo đó, dự thảo Luật không quy định tổ chức thêm một cơ quan thi hành án hình sự mới mà giao Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu có nhiệm vụ tổ chức thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Đồng thời, bổ sung quy định về cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, đăng kí kinh doanh, chấp thuận cho pháp nhân thương mại hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực tiếp liên quan đến việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại được Tòa án có thẩm quyền giao thực hiện một số nhiệm vụ thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại.
Điều 140b của dự thảo Luật thì cơ quan này có nhiệm vụ chính là tiếp nhận tài liệu có liên quan đến việc chấp hành án của pháp nhân thương mại từ cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh; tổ chức thi hành án và thực hiện cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Luật này và các luật có liên quan.
Đại diện Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết, hiện nhóm nghiên cứu có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân luôn gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước của một cơ quan cụ thể, việc thi hành án phải có sự phối hợp hoặc xác nhận giá trị pháp lý qua quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đó.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng trao đổi kết quả nghiên cứu ban đầu của Nhóm nghiên cứu về dự án Luật này
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng, bên cạnh hệ thống cơ quan thi hành án hình sự hiện hành, việc quy định bổ sung các cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án đối với pháp nhân thương mại cần được hết sức cân nhắc. Bởi việc việc quy định như trong dự thảo là quy định thêm một hệ thống các cơ quan trong khi không xác định số lượng là không phù hợp với quan điểm chỉ đạo định hướng của Đảng theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” khẳng định nguyên tắc không thành lập các tổ chức trung gian; cũng như các Nghị quyết về về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, xác định nhiệm vụ thực hiện nhất quán nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính.
Qua nghiên cứu cho thấy, việc quy định bổ sung các cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại thực chất là tạo ra một tổ chức trung gian, một khâu trung gian, trong khi không định hình được số lượng, tên cơ quan cụ thể nhưng lại giao cho thực hiện một số quyền lực với thẩm quyền tổ chức cưỡng chế là không phù hợp.
Xét về tính chất thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp với pháp nhân thương mại mặc dù luôn liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của một số cơ quan cụ thể, nhưng về nguyên tắc cần xác định là cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến thi hành án đối với pháp nhân thương mại cũng là người chấp hành bản án, quyết định của Tòa án mà không phải chủ thể ra quyết định mang tính tư pháp để tổ chức thi hành án và cưỡng chế thi hành án.
Quy định giao thẩm quyền cưỡng chế cho cơ quan phối hợp sẽ làm giảm tính hiệu lực của quyết định cưỡng chế, giảm vai trò của cơ quan thi hành án hình sự. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị cân nhắc bỏ quy định về cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân. Đồng thời cần rà soát quy định về trình tự thủ tục thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân để quy định vai trò trực tiếp của cơ quan thi hành án hình sự trong việc tổ chức thi hành và áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp với các luật hiện hành.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn bày tỏ còn nhiều băn khoăn đối với quy định cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án
Tán thành với những ý kiến ban đầu của nhóm nghiên cứu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn bày tỏ băn khoăn bởi đây là nội dung mới, chưa có thực tiễn thi hành nhưng hồ sơ dự án Luật lại thiếu giải thích vì sao lại có quy định như vậy về cơ quan thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Dự thảo Luật quy định các cơ quan thi hành án đối với pháp nhân thương mại nhưng vẫn chưa quy định rõ đó là những cơ quan nào? Cơ quan nào chịu trách nhiệm chính? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này ra sao? Ai là người ban hành quyết định thi hành án đối với pháp nhân thương mại?
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng phân tích, nếu đã quy định cơ quan thi hành án hình sự chủ trì thì các cơ quan khác sẽ được mời đến để phối hợp thực hiện. Việc dự thảo Luật lại quy định giao cho cơ quan quản lý nhà nước được quyền nhận hồ sơ, cưỡng chế pháp nhân là không hợp lý. Theo đại biểu, nói tới pháp nhân là nói tới nhiệm vụ quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan này đã được Chính phủ quy định cụ thể nếu Luật này giao thêm chức năng nhiệm vụ là không hợp lý. Hơn nữa, cần xem xét khả năng thực tế các cơ quan này có đảm nhận được nhiệm vụ thi hành án mà dự thảo Luật quy định hay không. Vì vậy, các sở, ngành chỉ nên là cơ quan phối hợp.
Cùng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Duy Hữu cho rằng cách tiếp cận của dự thảo Luật về xác định một số cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự chưa thực sự chính xác mà nên xác định Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là cơ quan chịu trách nhiệm chính còn các cơ quan khác trong bộ máy quản lý có trách nhiệm phối hợp.
Nếu hiểu theo các quy định của dự thảo thì cơ quan quản lý nhà nước nào cấp phép thì cơ quá ấy thi hành án. Theo đại biểu Nguyễn Duy Hữu quy định như vậy sẽ khó thi hành, bởi các cơ quan này đã cấp phép thì không dễ gì cơ quan ấy lại thu hồi được giấy phép, hoặc bằng cách này, cách khác, sẽ lẩn tránh trách nhiệm. Do đó, đại biểu đề nghị, quy định về cơ quan thi hành án hình sự phải minh bạch, rõ ràng và phải là cơ quan chuyên trách, còn các cơ quan khác chỉ là phối hợp thực hiện. Như vậy, thì việc thi hành án hình sự mới được thực hiện triệt để.