ỦY BAN TƯ PHÁP THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP.

06/09/2019

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, chiều ngày 05/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Khắc phục ngay tồn tại, khó khăn trong giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác giám định tư pháp, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc xây dựng Luật tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

Dự án Luật bổ sung 03 điều; sửa đổi, bổ sung 05 điều, 17 khoản và 14 điểm của Luật Giám định tư pháp năm 2012 về các nội dung: căn cứ trưng cầu giám định; cách thức trưng cầu và “phân tuyến” thực hiện giám định trong trường hợp vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; thẩm quyền trưng cầu và thực hiện giám định; thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản đối với hoạt động giám định tư pháp; việc áp dụng quy định của luật này trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra.

Rà soát làm rõ các quy định cấn thiết phải sửa đổi bổ sung

Qua xem xét hồ sơ dự án Luật, các nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, Ủy ban Tư pháp đã có giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự. Đây là nội dung liên quan đến sự cần thiết sửa đổi luật và và sửa đổi những nội dung gì. Qua giám sát cho thấy, đại đa số vướng mắc thực tiễn hiện nay, đặc biệt liên quan đến án tham nhũng, kinh tế, không phải nằm ở luật mà do khâu tổ chức thực hiện. Có thể kể đến như các bộ, ngành không tuân thủ đúng quy định của luật về chưa ban hành quy chuẩn giám định tư pháp hoặc chưa ban hành quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định; chưa ban hành danh sách người giám định theo vụ việc của bộ ngành, hướng dẫn đào tạo chuyên môn và bồi dưỡng về pháp luật tố tụng; công tác phối hợp giữa các bộ ngành trong thực hiện giám định. Như vậy, vấn đề đặt ra là những nội dung sửa đổi của dự thảo có khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn tổ chức thực hiện như trên hay không?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự có chương 15 quy định về giám định và giám định lại như vậy hoạt động giám định được coi là một hoạt động trong tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định nguyên tắc mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của luật này. Theo quy định này không thể dùng quy định ở luật khác để sửa đổi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự được. Tuy nhiên, qua xem xét dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp cho thấy có một số nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó cần làm rõ nội dung sửa đổi nào liên quan đến tố tụng hình sự nội dung nào của Luật Giám định tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cần xem xét các quy định trường hợp trưng cầu giám định, bổ sung thời hạn giám định, việc phân tuyến giám định, trường hợp trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực…thì hướng sửa đổi của dự thảo Luật có bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, có đúng, có phù hợp và có khả thi không?

Chọn đúng vấn đề sửa đổi, bổ sung cho trúng với mục tiêu, yêu cầu đề ra

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và cho rằng hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh cần thiết sửa luật nhưng vấn đề là chọn vấn đề sửa gì cho trúng với mục tiêu, yêu cầu đề ra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tờ trình của Chính phủ xác định quan điểm sửa luật khắc phục ngay những tồn tại vướng mắc trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết, xử lý án tham nhũng kinh tế thì nên tập trung sửa các quy định liên quan trong giám định vụ việc như vấn đề kinh phí giám định rất tốn kém; quy trình, quy chuẩn chưa đầy đủ; chế độ trách nhiệm không khuyến khích động viên được giám định viên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng

Tán thành quán điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng phải tìm đúng chỗ để sửa như về thời gian giám định căn cứ khoa học để xác định như thế nào, nhằm nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy bày tỏ băn khoăn về các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật về phân cấp trong thực hiện giám định, bổ sung về thời hạn giám định. Đây là những quy định mới, đề nghị Ban soạn thảo giải trình làm rõ thêm các nội dung sửa đổi tháo gỡ được những vướng mắc nào? Cần đánh giá tác động đầy đủ các quy định mới và kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm hiện nay đặt ra yêu cầu nâng tầm giám định vụ việc, thể chế Hiến pháp 2013, thực hiện các cam kết quốc tế…do đó cần rà soát để sửa đổi, bổ sung đáp ứng những yêu cầu này.

Bên cạnh việc tập trung sửa đổi để khắc phục những bất cập như việc phối hợp, kết nối, tôn trọng kết quả giám định giữa các cơ quan giám định công lập, tổ chức trưng cầu giám định, việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, thành lập giám định chuyên ngành, xử lý tình trạng lợi dụng giám định để trục lợi, chạy tội…Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng cần nghiên cứu xem xét bổ sung quy định về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, hình thành giám định chuyên nghiệp, xây dựng quy trình giám định rút gọn đối với một số trường hợp, giải quyết vấn đề chi phí giám định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong 

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Tư pháp thống nhất với quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đồng thời nhấn mạnh cần rà soát để sửa đổi đúng quy định, giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát và nghiên cứu lại hướng sửa đổi các quy định về bổ sung căn cứ, cách thức trưng cầu giám định tư pháp, phân tuyến giám định, trường hợp nội dung trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thời hạn giám định để bảo đảm đúng yêu cầu giải quyết được vướng mắc thực tiễn, bảo đảm khả thi. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 tới./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức