Tăng cường năng lực, trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn

19/06/2015

Thảo luận tại hội trường về nội dung trách nhiệm của công an xã phường, thị trấn, đồn công an quy định trong dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự sáng 19/6, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với ý kiến được nên trong dự thảo, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, sắp xếp lại một số loại thẩm quyền cho phù hợp hơn nhưng yêu cầu là cần tăng cường công tác bồi dưỡng đào tạo đối với công an cấp xã để bảo đảm việc điều tra đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền của công dân.

Với tinh thần Hiến pháp mới là mọi vấn đề hạn chế quyền con người, quyền cơ bản của công dân phải được quy định bằng luật, các đại biểu đề nghị Quốc hội rút bỏ phần quy định những thẩm quyền mang tính chất điều tra ban đầu cho công an xã. Trong trường hợp thấy cần giữ và giao thêm các nhiệm vụ quan trọng cho công an xã mà có khả năng hạn chế quyền con người thì phải nâng tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào.

Đồng thời, phải chuyển lực lượng này từ bán chuyên trách thành công an chính quy, mà mô hình đồn công an khu vực mà Hà Nội đang triển khai là một kinh nghiệm đáng tham khảo. Với trên 10.000 đơn vị cấp xã, công việc này sẽ đòi hỏi bổ sung một lượng biên chế và ngân sách không nhỏ.

Đại biểu Lù Thị Lừu-Lào Cai                                                                                                                  Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Lù Thị Lừu-Lào Cai cho rằng nên giao cho công an xã thực hiện một số nhiệm vụ điều tra ban đầu, nhưng ở mức độ phù hợp với năng lực. Đại biểu phân tích, có những địa bàn xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, cách trung tâm huyện rất xa, giao thông đi lại khó khăn, nếu chúng ta không giao cho công an xã các hoạt động điều tra ban đầu mà đợi công an điều tra cấp huyện đến nơi xảy ra vụ án thì dễ dẫn đến chứng cứ đã mất hoặc không được như nguyên trạng.

Hơn nữa, công an xã là người nắm bắt rất rõ các thông tin xảy ra sự vụ, vì chính họ là những người trực tiếp sống ở trong cộng đồng dân cư đó và trên địa bàn đó. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu Pháp lệnh năm 2008 và các văn bản liên quan hiện hành để từ đó quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền trong công tác điều tra của công an xã.

Cũng bày tỏ quan điểm tán thành việc quy định thẩm quyền điều tra ban đầu cho công an cấp xã, song đại biểu Đỗ Văn Đương-TP Hồ Chí Minh đề nghị giới hạn rất chặt chẽ, nhiệm vụ quyền hạn của công an xã, phạm vi tiến hành phải hết sức chặt chẽ, cụ thể trong luật những hành vi nào được thực hiện, cũng như trong các luật liên quan.

Đại biểu Lê Thị Nga-Thái Nguyên                                                                                                                   Ảnh: Đình Nam

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nga-Thái Nguyên cho rằng công an xã trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, liên quan đến tố tụng hình sự thời gian qua, bên cạnh những đóng góp hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cũng đã xảy ra nhiều sai phạm, làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân đến uy tín Nhà nước.

Theo đại biểu, nguyên nhân về mặt pháp luật của những sai phạm này là chúng ta đã giao cho công an xã những thẩm quyền vượt quá năng lực, trình độ của họ. Đồng thời, các quy định hiện hành về thẩm quyền liên quan đến tố tụng hình sự của công an xã là chưa phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và Hiến pháp mới.

Đại biểu Lê Thị Nga phân tích, việc thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu thực chất sẽ hạn chế quyền con người, quyền công dân của những người bị tạm giữ, khám xét. Chưa kể, những bước điều tra ban đầu đó nếu không được thực hiện chuẩn xác, chuyên nghiệp thì sẽ làm mất dấu vết hiện trường, mất vật chứng, giảm giá trị của lời khai ban đầu... Những sai lệch này sẽ khó có thể khắc phục được, dẫn tới gây khó khăn cho quá trình điều tra của cơ quan chuyên trách sau này.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị bỏ những quy định về thẩm quyền mang tính chất điều tra ban đầu của công an xã trong dự thảo. Đồng thời, nâng tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào của công an xã để bảo đảm năng lực thi nhiệm vụ, nâng chế độ chính sách cho lực lượng này để đảm bảo được cuộc sống và yên tâm gắn bó với nghề.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ-Vĩnh Long                                                                                                                                     

Đồng ý với những phân tích về một số thiếu sót trong hoạt động thực tiễn của lực lượng công an xã thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Hồ Trọng Ngũ-Vĩnh Long cho rằng từ việc nhìn nhận được những thiết sót đó cần phải đào tạo, nâng cao trình độ, tuyển chọn đầu vào cho công an xã tốt hơn chứ không thể đặt vấn đề tước quyền đấy đi, bởi vì nếu tước quyền thì tình hình trật tự an ninh và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở rất phức tạp và không ai thay thế được.

Theo đại biểu, chúng ta thấy cần phải luật hóa những quy phạm đó để cho công an xã có thêm quyền năng bởi vì thực tế hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm của công an xã đang rất nặng nề, rất phức tạp nếu không giao quyền cho họ thì cũng không thể chuyển tình hình tội phạm ở dưới xã, phường.

Bảo Yến