UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TÁN THÀNH BỔ SUNG 159 KIỂM SÁT VIÊN CAO CẤP CHO NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

18/02/2016

Chiều 18/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc đề nghị bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp của ngành Kiểm sát nhân dân. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp                                                      Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình về việc đề nghị bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp của ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay, số lượng Kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ còn 112 người, số lượng Kiểm sát viên cao cấp của 03 Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao là 45 người: Kiểm sát viên cấp cao 1 tại Hà Nội có 20 người; tại Đà Nẵng có 08 người, tại TP.Hồ Chí Minh có 17 người. Như vậy, so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân năm 2014, số lượng Kiểm sát viên cao cấp hiện nay không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, trong khi chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng thể nhu cầu biên chế, cơ cấu ngạch công chức của ngành, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 272 Kiểm sát viên cao cấp, tăng thêm cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao 31 người; Viện Kiểm sát quân sự 15 người, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao 161 người và Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh 65 người.

Thẩm tra tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc đề nghị bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp, thay mặt Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số các thành viên Ủy ban cho rằng, Kiểm sát viên cao cấp là ngạch Kiểm sát viên mới, căn cứ những thẩm quyền mới theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân năm 2014, Luật xử lý vi phạm hành chính và các luật khác vừa được Quốc hội thông qua thì trước mắt bổ sung chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp cho Viện Kiểm sát Nhân dân là cần thiết. Tuy nhiên, còn việc quyết định tổng thể về biên chế, cơ cấu các ngạch kiểm sát viên sẽ được xem xét khi các Đề án về vị trí việc làm, biên chế của Viện Kiểm sát Nhân dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc bổ sung một số chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp cho Viện Kiểm sát Nhân dân thì phải bảo đảm một số nguyên tắc như không tăng biên chế, chế độ tiền lương của chức danh Kiểm sát viên cao cấp được bổ nhiệm không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và chỉ bổ sung số lượng tối thiểu hợp lý trong tổng thể cơ cấu các ngạch Kiểm sát viên, phù hợp với yêu cầu công việc phải có chức danh Kiểm sát viên cao cấp, phù hợp về chế độ, chính sách chung trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tư Pháp tán thành với đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, để đáp ứng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ mới theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật xử lý vi phạm hành chính thì cần bổ sung 16 chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cụ thể như sau: bổ sung 06 chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp cho 06 đơn vị cấp vụ để thực hiện thêm nhiệm vụ “thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”; bổ sung 03 chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp cho Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để hướng dẫn các Viện kiểm sát địa phương thực hiện nhiệm vụ “Kiểm sát việc ra Quyết định đưa người vào cơ sở chữa bệnh và cơ sở giáo dục bắt buộc cho Tòa án nhân dân cùng cấp”; bổ sung 07 chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp cho Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án do Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý giải quyết.

Về việc bổ sung số lượng kiểm sát viên cao cấp tại các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung này phải được tính toán trên cơ sở thực tiễn nhu cầu công việc cần có chức danh kiểm sát viên cao cấp. Căn cứ vào số lượng công việc từ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chuyển xuống do 45 kiểm sát viên cao cấp hiện có đảm nhiệm, đa số ý kiến đề nghị, chỉ bổ sung 63 chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp để giải quyết công việc giám đốc thẩm, tái thẩm từ 63 tỉnh, thành chuyển lên.

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cũng đồng ý bổ sung 65 Kiểm sát viên cao cấp cho Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh, phù hợp với quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân năm 2014; và bổ sung 15 kiểm sát viên cao cấp cho các Viện Kiểm sát quân sự, nhằm tăng cường hơn chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện Kiểm sát quân sự cấp quân khu.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành bổ sung cho ngành kiểm sát nhân dân 159 kiểm sát viên cao cấp đúng như thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Nguyễn Phương