Dự phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương; Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Nguyễn Văn Sơn; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân Tối cao; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng; Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan.
Toàn cảnh Phiên họp lần thứ chín, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Theo Tờ trình về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), sau 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, qua đó đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Kết quả thực hiện công tác đặc xá những năm qua đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch. Qua đặc xá đã khuyến khích phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động phấn đấu, cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật đã bộc lộ một số bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an phát biểu tại phiên họp
Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 39 điều, 06 chương. So với Luật Đặc xá năm 2007 thì Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương nhưng tăng 03 điều, nhằm quy định cụ thể về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.
Cho ý kiến về dự án Luật, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007, bởi số lượng được đặc xá tha tù trước thời hạn lớn, đối tượng rộng, trung bình mỗi năm có gần 9 nghìn người được đặc xá nên chưa thể hiện được đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước ta đối với người phạm tội.
Về tên gọi dự thảo Luật, nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ tại sao tên gọi dự thảo là Luật Đặc xá (sửa đổi), mà không phải là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá như đã được quy định tại Nghị quyết số 34/2017/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Giải trình về nội dung này, đại diện Ban Soạn thảo cho biết, do phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 15 điều, bổ sung 3 điều), liên quan đến vấn đề cơ bản của Luật Đặc xá năm 2007 nên Chính phủ đề nghị sửa đổi tên gọi là Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thái Học, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp
Về thời điểm đặc xá, Khoản 1, Điều 5 Luật Đặc xá năm 2017 quy định 2 thời điểm Chủ tịch nước có thể ban hành Quyết định về đặc xá, đó là “sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước”. Còn dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định 1 thời điểm là “sự kiện trọng đại của đất nước”, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ lý do vì sao bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước; đồng thời đề nghị quy định ngay trong dự thảo luật: sự kiện trọng đại của đất nước là sự kiện gì.
Cũng liên quan đến thời điểm đặc xá, đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng nên quy định cụ thể trong luật sự kiện trọng đại của đất nước chính là ngày Quốc khánh 2/9, nếu đặc xá không vào dịp này thì được xác định là đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý về thời điểm đặc xá trong Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)
Đối với quy định về các trường hợp không được đề nghị đặc xá, nhiều đại biểu đồng tình với các quy định trong dự án, thể hiện tính thống nhất với Bộ Luật hình sự hiện hành. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát bổ sung đối tượng khác thuộc các nhóm tội mà xã hội đặc biệt quan tâm, như: tội phạm về ma túy; tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, đặc biệt là xâm hại người chưa thành niên… sẽ không được đề nghị đặc xá, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Góp ý về quy định công bố và thông báo Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, bên cạnh thông báo trên báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác, đại biểu của Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định như vậy là chưa đủ và thông báo quyết định đặc xá cần được đăng trên Công báo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước. Quy định như vậy sẽ đảm bảo phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định giúp người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sửa đổi bổ sung từng quy định trong dự thảo, nhằm làm rõ việc sửa đổi luật là cần thiết. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đặc xá là chính sách khoan hồng của Nhà nước; đặc xá là đặc biệt nên trình tự, thủ tục cũng cần đặc biệt. Do vậy, ban soạn thảo cần làm rõ sự khác biệt về các quy định, điều kiện, thời điểm đặc xá trong Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) với việc áp dụng các quy định về giảm án, tha tù trước thời hạn được áp dụng trong Bộ luật Hình sự hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, quy định về tái hòa nhập cộng đồng chưa được coi trọng đúng mức, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của các cơ quan liên quan, giúp người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, giảm thấp nhất tỷ lệ tái phạm sau khi được đặc xá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu kết thúc phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu tại phiên họp, tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động của dự án luật, từ đó sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo cho phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục./.