Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự phiên họp có Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số, bộ, ban, ngành có liên quan cùng toàn thể thành viên Ủy ban Tư pháp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự kiến Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban sẽ kéo dài từ 22-24/8. Trong phiên làm việc thứ nhất, Ủy ban Tư pháp tiến hành cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.
Thường trực Ủy ban Tư pháp trình bào Dự thảo báo cáo kết quả giám sát
Trình bày Dự thảo báo cáo giám sát tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, qua thực tế giám sát, đoàn giám sát nhận thấy Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động trong công tác soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt Ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm tính chính xác, đúng pháp luật của các quyết định hành chính, hành vi hành chính, bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân; các Tòa án nhân dân đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, góp phần bảo vệ các lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; các Viện Kiểm sát nhân dân đã tăng cường kiểm sát hoạt động xét xử và thi hành án hành chính góp phần bảo đảm việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành án đúng pháp luật; Bộ Tư pháp đã quan tâm, chỉ đạo công tác quản lý, theo dõi thi hành án hành chính và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nên trên, việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân cũng tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu một số vấn đề
Nhất trí với những nội dung của Dự thảo báo cáo giám sát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian tới dự báo tình hình khiếu kiện hành chính sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là ở các địa phương có tốc độ phát triển mạnh, thị trường bất động sản sôi động. Vì vậy, ngoài các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, tăng cường đối thoại, tuyên truyền giải thích chính sách, pháp luật cho đối tượng quản lý nhằm giảm thiểu các khiếu kiện hành chính phát sinh, Chính phủ cũng tập trung để nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, cụ thể: tiếp tục chỉ đạo, quán triệt việc chấp hành nghiêm túc pháp luật về tố tụng hành chính và thực hiện án hành chính đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; đề cao trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tham gia đối thoại, trực tiếp tham dự các phiên tòa xét xử của Tòa án đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, Ủy ban nhân dân…
Phát biểu tại Phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính nói chung và các vụ án liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân thì cần phải nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy pham pháp luật trong từng lĩnh vực kinh tế -xã hội. Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả xét xử các vụ án hành chính, phải nâng cao năng lực cho đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong hệ thống Tòa án.
Đưa ra ý kiến tại Phiên họp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, báo cáo của Đoàn giám sát đã đánh giá đúng thực trạng còn yếu kém, khó khăn trong giải quyết vụ án hành chính; đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém này bằng các số liệu, chứng cứ thuyết phục. Về phía những tồn tại của ngành, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ: việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức để đảm nhận, thực hiện khâu công tác này của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức pháp luật về thi hành án hành chính giữa Viện Kiểm sát và các cơ quan có liên quan còn có nhiều vướng mắc; nhiều vụ việc có những quan điểm khác nhau, còn để kéo dài. Trên cơ sở nhận thức được những vướng mắc trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát các vụ án hành chính.
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Tư pháp, các đại biểu tham dự tán thành cao với dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát; cho rằng báo cáo đã chỉ rõ những việc làm được, những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp cụ thể. Các thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cần phối kết hợp chặt chẽ, tập trung rà soát, nghiên cứu thực tiễn xử lý các vụ án hành chính để giảm thiểu tối đa những yếu kém còn tồn tại trong lĩnh vực này; Bộ Tư pháp cần tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các cấp hành chính chấn chỉnh ngay việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính; đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp khắc phục các tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ tố tụng được nêu trong báo cáo này, nhất là thực hiện quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính; áp dụng hiệu quả chế định “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” được quy định tại Điều 61 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự; tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự, Ủy ban sẽ hoàn chỉnh báo cáo giám sát theo hướng chỉ rõ hơn nữa những thành tựu đạt được, nguyên nhân của hạn chế yếu kém và đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn. Ghi nhận những kiến nghị của các bộ, ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga nhấn mạnh, những kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của mình, Ủy ban Tư pháp sẽ xem xét, xử lý; những kiến nghị nào thuộc về các cơ quan khác thì Ủy ban sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết./.