Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, các Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của các Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thúy Ngần. Về phía khách mời có Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Võ Thị Hải Châm; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học; Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.
Theo dự kiến chương trình phiên họp, Ủy ban Tư pháp sẽ thẩm tra sơ bộ về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2020 và Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành kiểm sát năm 2020; báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành tòa án năm 2020 và báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành tòa án năm 2020; báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2020 và báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.
Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với đó là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như thiên tai, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng tiếp tục là thách thức. Trong nước, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông, cháy nổ còn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Chính phủ, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội có liên quan công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho biết việc xem xét các báo cáo của các cơ quan tư pháp năm nay đặt trong bối cảnh năm cuối nhiệm kì, hướng đến đại hội đảng các cấp, cùng với đó là tác động của đại dịch covid-19 và tác động của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Năm 2020 cũng là năm triển khai nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động tư pháp và nghị quyết mới của Quốc hội về công tác tư pháp là Nghị quyết số 96/2019/QH14. Trong bối cảnh đó, các cơ quan đã nghiêm túc xây dựng các báo cáo, đảm bảo đúng yêu cầu. Các báo cáo cơ bản khắc phục được sự chồng chéo, không thống nhất về số liệu và các báo cáo này cũng đã được công khai.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Hùng phát biểu tại phiên họp.
Các đại biểu ghi nhận công tác điểu tra, truy tố, xét xử, thi hành án năm qua cơ bản thực hiện tốt tuân thủ pháp luật, chất lượng các hoạt động có tiến bộ so với trước đây; khẳng định công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều kết quả tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững và một số loại tội phạm về trật tự xã hội có giảm, nhiều tội phạm được xử lý nhanh đáp ứng yêu cầu thực tiễn; giải quyết tin báo tố giác tội phạm, điều tra, kiểm sát hoạt động tư pháp, thực hành quyền công tố được tăng cường; công tác xét xử án hình sự, dân sự, kinh tế thương mại lao động, hành chính bảo đảm tuân thủ pháp luật; công tác thi hành án có nhiều cố gắng; công tác phòng chống tham nhũng cũng không bị trùng xuống mà tiếp tục được đẩy mạnh, làm rõ đến đâu xử lý đến đó. Nhiều hoạt động tư pháp đạt tiêu chí như Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu.
Bên cạnh các ưu điểm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chậm khắc phục như chất lượng giải quyết tin báo tố giác tội phạm chưa đạt yêu cầu, còn trường hợp oan sai; vi phạm trong điều tra, truy tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, vi phạm quy định về thời hạn tố tụng, tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp…
Lưu ý rằng năm 2020 thực hiện nhiều quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự…do đó các đại biểu đề nghị cơ quan hữu quan có thêm đánh giá thực hiện các điểm mới của pháp luật như việc thực hiện ghi âm ghi hình, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đã được quy định chặt chẽ hơn để tránh lạm dụng; báo cáo thêm về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo điều 29 Bộ luật Hình sự; áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện; thực hiện biện pháp chống bức cung nhục hình…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha trình bày báo cáo của Nhóm nghiên cứu Ủy ban Pháp luật về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020.
Đánh giá cao tình hình phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra, song các đại biểu cũng đề nghị đánh giá rõ hơn tình hình, trong đó có một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng cần có đánh giá nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và giải pháp trong thời gian tới. Các đại biểu cũng lưu ý thực tiễn về phòng ngừa tội phạm tín dụng đen còn bất cập, chưa thực sự hiệu quả, lưu ý hành vi cho vay qua ứng dụng; công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài nhập cảnh; lợi tình hình dịch bệnh để trục lợi; hoạt động của các băng nhóm tội phạm ở nhiều địa phương; vấn đề lợi dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội để phạm tội diễn ra tràn lan chưa được ngăn chặn triệt để; tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội; tội phạm mua bán người; tai nạn giao thông, cháy nổ còn thiệt hại nặng nề.
Trước tình hình đó, các đại biểu đề nghị các cơ quan hữu quan cần sớm khắc phục những hạn chế, tiếp tục đánh giá việc thực hiện các kiến nghị mà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, các đại biểu Quốc hội đẽ nêu; có biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, khắc phục các hạn chế, nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm, xử lý nghiêm minh. Cần đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp phòng ngừa trước tình hình gia tăng đột biến một số loại tội phạm như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Chú trọng thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để các cơ quan khai thác phục vụ quản lý và tố tụng. Một số ý kiến đề nghị các cơ quan tư pháp cần chú trọng ý kiến của người dân về hoạt động tư pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận nội dung phiên họp.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan tư pháp trong bối cảnh năm 2020 vừa phòng chống dịch bệnh vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, thể hiện ở các mặt các chỉ tiêu số lượng và chất lượng; đồng thời cho biết trên cơ sở tổng hợp ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện các văn bản liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp cũng cho ý kiến về Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thay đổi Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao./.