Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Tư pháp; các cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm tra có Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan có: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; đại diện VKSNDTC có Phó Viện trưởng Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến; đại diện TANDTC có Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng; đại diện Thanh tra Chính phủ có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam; cùng đại diện các Vụ, Cục của các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC, Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội…
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Phiên họp toàn thể tập trung thảo luận, trình bày ý kiến thẩm tra Báo cóa của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC; thẩm tra Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án.; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo thông lệ cải tiến nhiều năm nay, Báo cáo đã gửi đến các đại biểu, các thành viên của Ủy ban Tư pháp nên sẽ không đọc các Báo cáo của Chính phủ, của Viện KSNDTC, của TANDTC, tập trung nghe ý kiến của các Tiểu ban thẩm tra 5 Báo cáo nêu trên. Bên cạnh đó, còn có Báo cáo của Chánh án TANDTC và của Viện trưởng VKSNDTC về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị các đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản về 2 Báo cáo này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu khai mạc Phiên họp.
Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá được tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Công Long trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.
Đại diện Tiểu ban I, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho biết, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2022 về cơ bản đã bám sát vào các yêu cầu theo đề cương báo cáo của Ủy ban Tư pháp (UBTP). Báo cáo đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của sto công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2022; đã đưa ra dự báo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023 và những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng của công tác này. Báo cáo cũng thống kê được cụ thể các loại tội phạm, báo cáo cụ thể được kết quả, tiến độ thực hiện các kiến nghị của UBTP tại Báo cáo thẩm tra năm 2021 và các năm trước. Tuy nhiên, đại diện Tiểu ban I của Ủy ban Tư pháp nhận thấy, mặc dù Báo cáo của Chính phủ đã thống kê được số liệu xử lý vi phạm hành chính của các Bộ, ngành, địa phương nhiều hơn cùng kỳ nhưng vẫn chưa đánh giá được tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc.
Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, đại diện Tiểu ban I nêu rõ, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm gia tăng, như: Giết người, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, một số loại tội phạm tuy giảm những diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội về phạm ma túy, cướp (cướp ngân hàng, tiệm vàng), cướp giật, chống người thi hành công vụ.
Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid 19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, người dân và xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Trong đó, nổi lên là một số vụ án có quy mô, phạm vi đặc biệt lớn như các vụ mua bán, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước. Đặc biệt, liên quan đến các vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Nhất là việc quản lý mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn điển hình như sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, xâm nhập hệ thống ngân hàng để thu thập, đánh cắp thông tin chiếm đoạt tài khoản của khách hàng, phát tán tin nhắn quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...
Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn nhiều sơ hở dẫn đến một số đối tượng lợi dụng để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến thị trường vốn, đến an ninh, tài chính tiền tệ. Trong đó hành vi vi phạm được thực hiện trong một thời gian dài mới được phát hiện, xử lý. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực đất đai xảy ra ở nhiều địa phương.
Đại diện Tiểu ban I, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long
Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao như: đã khám phá nhiều đường dây ma túy với số lượng thu giữ hàng triệu viên ma túy tổng hợp. Nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ lớn được điều tra xử lý dứt điểm; các vụ trọng án giết người, giết nhiều người được khám phá nhanh, đạt kết quả cao, được sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng triệu vụ vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm trật tự an toàn và ổn định xã hội. Thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan điều tra chuyên trách để xử lý theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, đại diện Tiểu ban I của Ủy ban Tư pháp cho rằng, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Cụ thể như: Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông vẫn diễn ra rất phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế, chưa đủ sức răn đe, số vụ được phát hiện giảm so với cùng kỳ (giảm 32,17%) và vẫn chủ yếu là xử lý hành chính. Một số loại tội phạm xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp như tội trộm cắp, cướp giật tài sản. Tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận xuất xứ với nhiều phương thức thủ đoạn mới để hoạt động; vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu diễn ra phức tạp nhiều tuyến biên giới, tuy nhiên việc phát hiện còn chưa được nhiều.
Về công tác điều tra xử lý tội phạm, đại diện Tiểu ban I nhận thấy, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 81,18%, chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 96. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn vi phạm như: Theo báo cáo của VKSNDTC, Viện kiểm sát các cấp đã không phê chuẩn: 75 trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 107 trường hợp đề nghị gia hạn tạm giữ (tăng 20,2%)… Đại diện Tiểu ban I đề nghị Chính phủ làm rõ 75 trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 521 trường hợp bị tạm giữ hình sự phải trả tự do không xử lý hình sự sau khi hết thời hạn tạm giữ có trường hợp nào phải bồi thường bạn theo quy định của Điều 34 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hay không?
Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Số trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm và hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm tăng so với cùng kỳ 15 trường hợp (năm 2021, 11 trường hợp).
Số vụ án Cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra năm 2022 có giảm 19,99%, nhưng vẫn chiếm số lượng lớn. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra và rà soát các vụ án tạm đình chỉ điều tra và số còn tồn từ các năm trước nếu có căn cứ thì phục hồi điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phối hợp cùng VKSNDTC thống nhất về tiêu chí thống kê tất cả các loại tội phạm để báo cáo Quốc hội đúng quy định của Nghị quyết số 96
Đại diện Tiểu ban 1 của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần sớm khắc phục những hạn chế đã nêu trong các Báo cáo thẩm tra và tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, UBTVQH, Ủy ban Tư pháp và đại biểu Quốc hội đã nêu tại các kỳ họp trước. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phối hợp cùng VKSNDTC thống nhất về tiêu chí thống kê tất cả các loại tội phạm để báo cáo Quốc hội đúng quy định của Nghị quyết số 96.
Đồng thời tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực đất đai, tài chính, tín dụng, công nghệ thông tin, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội...để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu nghe ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung Phiên họp toàn thể này.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Phiên họp toàn thể tập trung thảo luận, trình bày ý kiến thẩm tra Báo cóa của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC; thẩm tra Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án.; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.
Đại diện các cơ quan của Chính phủ tham dự Phiên hợp
Đại diện các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Tư pháp tham dự Phiên họp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.
Đại diện các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Tư pháp tham dự Phiên họp.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tập trung vào các tình hình, xu hướng, diễn biến của vi phạm tội phạm, trong đó nêu ra 7 nhóm vấn đề để minh họa cho diễn biến, xu hướng này, đồng thời có kiến nghị với các Ủy ban của Quốc hội cần có đánh giá, khảo sát sâu hơn về diễn biến vi phạm tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cơ bản thống nhất đánh giá những kết quả, ưu điểm trong Báo cáo của Chính phủ, của ngành tư pháp, Báo cáo chỉ ra được hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, từ đó các Tiểu ban của Ủy ban Tư pháp có kiến nghị liên quan đến các vấn đề để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cần phân tích, đánh giá sâu hơn về những bất cập nổi cộm, đánh giá sâu hơn để cử tri nắm được đầy đủ và có nhận thức, có cảnh báo.
Đại biểu Dương Ngọc Hải - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị rà soát, xử lý vụ án tạm đình chỉ.
Các đại biểu thảo luận bên lề Phiên họp
Bên lề Phiên họp./.