Tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, cùng các Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cán bộ, công chức Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Ngay sau khi Quốc hội tiến hành kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai ngay các hoạt động nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử, tiếp tục các hoạt động của Quốc hội, đồng thời lên kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cho thời gian tới. Trước đó, vào ngày 15/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu chuyên trách ở Trung ương nhằm lắng nghe ý kiến, đóng góp, hiến kế của các đại biểu chuyên trách ở Trung ương về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Để tiếp tục bàn kỹ, sâu hơn về những việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần tập trung thực hiện, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực sẽ làm việc với từng cơ quan của Quốc hội. Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nghiên cứu, có đề án cụ thể trong từng lĩnh vực, xác định rõ cơ quan nào chủ trì, sản phẩm là gì, thời gian thực hiện, huy động các nguồn lực, nhất là tài nguyên chất xám của các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học và đặc biệt là đội ngũ các đại biểu Quốc hội chuyên trách qua các nhiệm kỳ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn này, các cơ quan hữu quan đang tập trung cao độ cho công tác bầu cử, đồng thời, các cơ quan của Quốc hội cần xây dựng kế hoạch triển khai công việc cho khóa tới để trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã nghe và thảo luận về các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ và thông qua Nghị quyết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội và các cơ quan. Do đó, làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cùng Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực, bên cạnh việc nghe báo cáo sẽ thảo luận thêm một số vấn đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực Ủy ban Tư pháp phụ trách, đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình hành động của Quốc hội cho nhiệm kỳ tới, nhất là việc triển khai các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Báo cáo về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản có liên quan, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có nhiệm vụ thẩm tra và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chính lý các dự án luật, dự án pháp lệnh, nghị quyết về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Tư pháp cũng giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết về các lĩnh vực trên; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng.
Về cơ cấu tổ chức, vào đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV có 40 thành viên; Thường trực Ủy ban Tư pháp gồm 09 người được chia thành 05 nhóm công tác do Chủ nhiệm Ủy ban điều hành chung.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Tư pháp đã chủ trì thẩm tra và chỉnh lý, hoàn thiện 06 dự án luật, 04 nghị quyết. Trong đó, nhiều dự án lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, quy định về nhiều vấn đề quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Đặc xá năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
Về công tác giám sát, trong nhiệm kỳ, Ủy ban đã tổ chức giám sát chuyên đề về: “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”; “Việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”. Ngoài ra, theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp đã chủ trì tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Uỷ ban đã tổ chức 03 phiên giải trình về các nội dung: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng chủ động trong việc giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát một số vụ án cụ thể; giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Uỷ ban cũng thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến vấn đề tổ chức và nhân sự của các cơ quan tư pháp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường báo cáo về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Các nhiệm vụ trên đã được Ủy ban tổ chức thực hiện với sự cố gắng và nỗ lực cao nhất; được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có chất lượng, bảo đảm tiến độ và đã được Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan tán thành và đánh giá cao. Kết quả nhiều công việc đã được ứng dụng phục vụ cho công tác hoàn thiện pháp luật, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, công tác cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng và hợp tác quốc tế...
Tại buổi làm việc các đại biểu đã thảo luận về các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đồng thời đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ủy ban Tư pháp nói riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nói chúng; nhất là các giải pháp nhằm cụ thể hóa các nội dung được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội gắn với lĩnh vực của Ủy ban Tư pháp.
Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước,các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước xác định, trong thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần chú trọng một số nội dung:
Một là, tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại;
Hai là, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; đẩy mạnh hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;
Bốn là, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, chuẩn hóa các quy định về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng;
Năm là, tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân để phát huy tối đa lợi thế của hoạt động ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại;
Sáu là, tăng cường gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân; nâng cao hiệu quả các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri;
Bảy là, hiện đại hóa điều kiện bảo đảm hoạt động, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục xây dựng Quốc hội điện tử; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách;
Tám là, tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn; nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, công tác nghiên cứu khoa học lập pháp./.