Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng giám sát tình hình thực hiện Luật Thanh niên tại Kiên Giang

13/07/2015

Ngày 10/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đến làm việc tại tỉnh Kiên Giang về tình hình thực hiện Luật Thanh niên giai đoạn 2007-2014.

Trong những năm qua, tại tỉnh Kiên Giang, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật cho thanh niên được tỉnh quan tâm; UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành, trong đó có Tỉnh đoàn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách đến thanh niên, trung bình hàng năm tổ chức khoảng 300 cuộc với hơn 10 ngàn thanh niên tham gia. Chính quyền các cấp phối hợp với tổ chức Đoàn cùng cấp trong việc vận động, huy động đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thực hiện lồng ghép các chính sách liên quan đến công tác thanh niên với quy hoạch, xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, như: Giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở, điển hình như Phong trào “05 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "04 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.

Chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào các phong trào thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện do Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức, góp phần giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Song song đó, các cấp bộ Đoàn còn tích cực phối hợp Hội đồng nghĩa vụ quân sự vận động đoàn viên thanh niên tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển, đảo như: Chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”, với 900 sinh viên tiêu biểu đại diện cho 02 triệu sinh viên cả nước và trên 100 đại biểu tham gia; thực hiện Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn giao lưu, kết nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực tại các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn; tổ chức trên 1.500 lượt giao lưu ký kết nghĩa với 784 đơn vị; tổ chức Chương trình “Thanh niên Kiên Giang - Vì biển đảo quê hương”. Thực hiện 85 công trình, phần việc thanh niên hướng về biên giới, hải đảo với 39.355 đoàn viên thanh niên tham gia.

Toàn tỉnh có 28 cơ sở dạy nghề, trong đó có 25 cơ sở công lập, 03 cơ sở ngoài công lập, riêng Tỉnh đoàn thành lập 01 trung tâm dạy nghề cho thanh niên; đã dạy nghề cho 19.896 lượt thanh niên; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 159.490 thanh niên, giải quyết việc làm cho 104.404 lao động (trong và ngoài tỉnh 103.723, xuất khẩu lao động 381). Bên cạnh đó, hàng năm, tổ chức họp mặt cho hơn 400 giáo viên, học sinh sinh viên đang học tập, công tác trong và ngoài tỉnh với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan nhân dịp Tết Nguyên đán, qua đó đã tọa đàm, trao đổi những vấn đề liên quan đến các cơ chế chính sách trong nghề nghiệp và việc làm của tỉnh.

Việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí tài năng trẻ luôn được quan tâm, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh chiếm 26,16%. Các chính sách đối với thanh niên có tài năng được thực hiện khá tốt, đã xét cho 18 thanh niên được tuyển dụng thẳng không qua thi tuyển vào các cơ quan, đơn vị trong đó có: 01 công chức xã, 17 viên chức, và đang hoàn tất thủ tục đặc cách cho 02 công chức (01 tốt nghiệp thạc sĩ nước ngoài và 01 tốt nghiệp đại học thủ khoa trong nước theo đúng quy định của pháp luật).

Thanh niên trong tỉnh hoàn thành nghĩa vụ quân sự được hưởng các chính sách ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm theo quy định của luật. Hàng năm, tỉnh có khoảng 1.300 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp, các trường dạy nghề trong và ngoài quân đội, giới thiệu 766 thanh niên xuất ngũ vào làm tại các công ty, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Để từng bước nâng cao sức khỏe, thể lực và tầm vóc cho thanh niên, tỉnh đã đầu tư 32 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên của tỉnh, hình thành bộ máy tổ chức của Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động; hiện có 01 Nhà Thiếu nhi tỉnh, 11/15 huyện, thị, thành có nhà thiếu nhi cấp huyện; 107 điểm và khu tập luyện thể thao; 154 câu lạc bộ thể dục thể thao; 47 đội bóng đá, bóng chuyền... Ngoài ra, công tác xã hội hóa về đầu tư hoạt động văn hóa, thể thao có phát triển, toàn tỉnh có 243 sân bóng mini, quần vợt, cầu lông, bóng chuyền, hồ bơi... bình quân mỗi sân đầu tư từ 300 - 600 triệu đồng để tạo điều kiện vui chơi, giải trí cho thanh niên.

Qua buổi giám sát, tỉnh cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với thanh niên. Bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan được Chính phủ phân công thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên là Bộ Nội vụ với Ủy ban Quốc gia về thanh niên và các tổ chức thanh niên được quy định trong Luật. Bổ sung vào Luật Thanh niên 01 chương về công tác quản lý nhà nước về thanh niên, trong đó nêu rõ vai trò của Bộ Nội vụ; 01 chương về chính sách của nhà nước đối với thanh niên và công tác thanh niên; 01 chương về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về thanh niên và công tác thanh niên. Cần có quy định thống nhất giữa các Luật về độ tuổi.

Theo kiengiang.gov.vn