VIỆC THI HÀNH CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT GIAOS DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH Y

21/08/2019

Sáng ngày 21/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với Bộ Y tế về việc thi hành chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực ngành y. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện lãnh đạo Bộ Y tế; đại diện Bộ Lao động- Thương binh và xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, ngành y là một ngành “đặc biệt” nên việc đào tạo nhân lực ngành y tế cũng phải rất đặc thù. Bởi sinh viên ngành y ra trường sẽ trở thành cán bộ y tế phụ trách việc chăm sức khỏe con người, vì thế cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với sản phẩm đào tạo ra là nhân viên y tế trực tiếp phục vụ công tác chăm sóc, điều trị, dự phòng và cung ứng dịch vụ cho người dân trong hệ thống y tế, đào tạo nhân lực y tế có những đặc thù: Chương trình, thời lượng đào tạo kéo dài hơn so với các ngành khác cùng trình độ; các môn học/học phần/mô đun trong chương trình đào tạo đòi hỏi người học phải có nền tảng kiến thức giáo dục phổ thông tương ứng với tốt nghiệp phổ thông trung học để tiếp thu được nội dung kiến thức trong chương trình đào tạo; học lý thuyết gắn liền với thực hành nghề nghiệp (thực hành tại trường, tại cơ sở y tế và tại cộng đồng) với thời lượng thực hành cao, địa điểm học tập trải rộng (trường, cơ sở y tế, cộng đồng). Đặc biệt, số lượng các phòng thực hành nhiều; danh mục dụng cụ - thiết bị đào tạo nhiều; dụng cụ tiêu hao phải sử dụng nhiều trong tổ chức đào tạo thực hành; môi trường học tập đặc biệt (tại bệnh viện, cơ sở thực hành), đối tượng tiếp cận đặc biệt (người bệnh với các mức độ bệnh tật khác nhau, người nhà người bệnh), học cả ban ngày và ban đêm (tham gia các tua trực).

Bên cạnh đó, trong quá trình học tập rèn luyện, người học hình thành kỹ năng, thái độ để có năng lực bình tĩnh giải quyết những tình huống trên lâm sàng: đứng trước người bệnh cấp cứu, người bệnh mất trí nhớ, rối loạn nhận thức ... Khi hành nghề thực sự (có chứng chỉ hành nghề) phải học tập liên tục, suốt đời để đáp ứng yêu cầu phục vụ người bệnh.

Đại diện Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc

Qua thống kê của Bộ Y tế, trên toàn quốc hiện có 138 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó có 84 cơ sở giáo dục nghề nghiệp bậc cao đẳng và cơ sở giáo dục nghề nghiệp bậc trung cấp. Hiện tại Bộ Y tế quản lý 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc. Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp về giáo dục ở Trung ương hướng dẫn về chuẩn năng lực nhà giáo, đội ngũ cán bộ và nội dung chuyên môn, nghiệp vụ trong xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo đối với những ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực chuyên môn y tế để tăng cường quản lý nhà nước đối với việc đào tạo nhân lực trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, đào tạo nhân lực y tế ở nước ta trong thời gian vừa qua cũng còn nhiều bất cập. Nhiều cơ sở đào tạo, quy mô tăng, nhiều loại hình đào tạo gặp phải thách thức cho việc bảo đảm chất lượng trong đào tạo. Quy hoạch, quy mô đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực của hệ thống y tế và chưa tương ứng với năng lực thực tế của cơ sở đào tạo; chưa có dự báo nhu cầu của hệ thống y tế theo ngành, chuyên ngành, khu vực sử dụng để làm cơ sở xác định quy mô đào tạo; chưa xác định rõ cơ cấu nhân lực theo từng tuyến y tế, từng lĩnh vực làm việc, chuyên khoa hóa y tế cơ sở. Kiểm định chất lượng chưa có bộ tiêu chí riêng cho các trường đào tạo khối ngành sức khoẻ; chưa có kiểm định chương trình đặc thù khối ngành sức khoẻ. Quy mô đào tạo/khoá quá lớn so với thông lệ quốc tế do vậy khó đảm bảo đào tạo chất lượng….

Đại biểu phát biểu tại buổi làm việc

Về thể chế, các quy định về giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực đặc thù y tế vẫn còn những tồn tại, bất cập trong quy định về tuyển sinh; hình thức tổ chức đào tạo; cơ chế chia sẻ thông tin; sự phối hợp xây dựng chuẩn đầu ra; xây dựng danh mục thiết bị, đào tạo tối thiểu; xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật…

Từ những tồn tại trong thực tế công tác đào tạo nhân lực ngành y của nước ta thời gian qua, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm đổi mới nhanh và mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Trong đó, đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội không áp dụng hình thức tuyển sinh các trình độ bằng hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để cấp văn bằng đối với giáo dục nghề nghiệp có đào tạo khối ngành sức khỏe.

Bên cạnh đó, sớm quy định người đăng ký tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng khối ngành sức khỏe phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương. Đồng thời đề nghị bãi bỏ một số mã ngành, nghề đào tạo trên thực tế đã không thể tuyển sinh, đào tạo, chưa có vị trí việc làm trong hệ thống y tế và bổ sung mã số đào tạo mới trình độ trung cấp khối ngành trợ lý điều dưỡng; xây dựng mã số đào tạo trình độ sơ cấp là nhân viên chăm sóc; y tế thôn bản; cô đỡ thôn bản…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ, những bất cập trong đào tạo ngành y hiện nay cần phải giải quyết sớm. Đại biểu nêu rõ, hiện chúng ta mới chỉ tập trung vào quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Thời gian tới, chúng ta cần phải tập trung cả vào người học, đối tượng học. Chúng ta còn nặng đầu vào, chưa chú trọng đầu ra. Chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sản phẩm đưa ra ngoài được xã hội đánh giá cao thì các cơ sở, bệnh viện mới đón nhận.

Các đại biểu cho rằng, cần sự đồng bộ, trong đào tạo nhân lực y tế (Luật, Nghị định, Thông tư… của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế…).  Sự gắn kết và thống nhất giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành/bệnh viện trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm để việc tổ chức thực hành thực sự bảo đảm chất lượng. Hiện nay trong Luật Giáo dục mới ban hành chưa có quy định đặc thù về tổ chức đào tạo thực hành lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực sức khoẻ.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, sau 5 năm thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp trong thực tế đã xuất hiện một số điểm nghẽn, đặc biệt trong đào tạo nhân lực ngành y. So với thế giới, nhân lực ngành y của Việt Nam còn cách một khoảng cách rất xa. Nhân lực y tế là một bộ phận rất quan trọng, là điều kiện quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Để nhân lực y tế đáp ứng được nhu cầu của hệ thống y tế và bắt kịp với trình độ quốc tế hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình đề nghị, Bộ Y tế và Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội tiếp tục phối hợp đưa ra những kiến nghị xác đáng với Ủy ban nhằm tăng cường quản lý nhà nước, cũng như đào tạo chuyên môn cho nhân lực ngành y trong thời gian tới./.

Thu Phương