ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND QUẬN THỐT NỐT, CẦN THƠ, VỀ CÔNG TÁC PHÒN, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

04/10/2019

Chiều ngày 02/10 Đoàn giám sát số 3 của Quốc hội "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" giai đoạn 2015 - 2019 do ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Toàn quận Thốt Nốt hiện nay có trên 37.300 trẻ em, chiếm tỷ lệ 24%, trong đó hiện có 142 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo thống kê từ năm 2015-2019 tổng số trẻ em bị xâm hại là 29 trường hợp, đã bắt khởi tố hình sự 26 vụ, trong đó: 13 vụ giao cấu trẻ em, 03 vụ hiếp dâm, 04 vụ cố ý gây thương tích và 11 trường hợp khác như: xâm hại sức khỏe, trộm cắp tài sản... nguyên nhân phần lớn các đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định, trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết và đa phần có mối quan hệ gần gũi, quen biết trước với nạn nhân và lợi dụng mối quan hệ để thực hiện hành vi xâm hại...

Theo UBND quận, mặc dù thời gian qua Quận luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thực hiện tốt sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, huy động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia, đóng góp vào việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi trẻ em được phát triển toàn diện... Tuy nhiên, hiện trạng vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, như: công tác đảm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hướng dẫn các giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý và hướng dẫn các em lựa chọn các chương trình, tiết mục giải trí an toàn, lành mạnh, phòng, chống xâm hại trẻ em...

Tại buổi làm việc, UBND quận Thốt Nốt cũng gửi đến Đoàn giám sát những kiến nghị như: Đối với Cục Bảo vệ trẻ em văn bản hướng dẫn quy chế phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin giữa các ngành và ngành với địa phương trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp với cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ xâm hại trẻ em hoặc hỗ trợ, bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của các hành vi xâm hại trước, trong và sau quá trình tố tụng; Nâng cao các chính sách hỗ trợ trẻ em bị xâm hại giúp các em ổn định về tâm lý, học tập; Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên, tổng phụ trách đội, cán bộ phụ trách trẻ em về các kỹ năng tư vấn tâm lý, kỹ năng giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em...

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu kết luận nội dung làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em của quận Thốt Nốt trong thời gian qua, đặc biệt là ghi nhận về nhận thức của các cấp, các ngành về vấn đề nầy, bên cạnh đề nghị đối với quận trong thời gian tới cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, đặc biệt là làm sao để người dân nâng cao nhận thức về pháp luật. “Nhận thức pháp luật về xâm hại tình dục đặt ra 2 vấn đề ở địa phương. Ở đâu thì tôi không biết chứ ở thành phố Cần Thơ không thể nói là không biết luật được. Ngoài các nội dung ở đây còn đặt ra cho chúng ta suy nghĩ xem văn hóa gia đình, nhận thức về gia đình của chúng ta đang như thế nào? Rồi bạo lực gia đình tác động các em như thế nào? Và chúng ta cần nói rõ trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm quản lý nhà nước chúng ta văn bản như thế nào?”.

Riêng các vấn đề kiến nghị của quận Thốt Nốt, Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình - Trưởng Đoàn giám sát, ghi nhận và hứa sẽ tổng hợp trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.