UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ LÀM VIỆC TẠI LONG AN

19/12/2020

Ngày 18/12, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc tại tỉnh Long An về thực hiện quyền trẻ em trong các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tập trung. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn khảo sát đã làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; đi thăm một số cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tập trung.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Đức Dũng

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An, toàn tỉnh hiện có 366.297 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 21,61%/tổng dân số; trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là 129.551 trẻ, chiếm tỷ lệ 7,64%/tổng dân số. Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 3.297 trẻ, chiếm tỷ lệ 0,90% số trẻ em; nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 12.634 trẻ em. Toàn tỉnh có 5 cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tập trung, trong đó có 4 cơ sở Bảo trợ xã hội và một mái ấm với 127 cán bộ nhân viên; tổng số trẻ em đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở này là 99 trẻ, chủ yếu là trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi.

Thời gian qua, Long An thực hiện tốt việc trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị số 28/2012/NĐ-CP. Tỉnh đang thực hiện theo Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 13.10.2016 của UBND tỉnh Long An về việc ban hành quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Các em có hoàn cảnh đặc biệt được các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, bảo đảm được cấp thẻ bảo hiểm y tế 100% và thực hiện đầy đủ các chính sách theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP... và tổ chức dạy văn hóa cho các em tại cơ sở và các trường gần cơ sở.

Từ thực tế địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An kiến nghị, Chính phủ sửa đổi Nghị định 136/2013/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã, vì hiện nay mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội còn quá thấp; dành ngân sách Trung ương và chỉ đạo địa phương dành ngân sách cho các chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em. Các cơ quan báo chí Trung ương tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục, vận động để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu và nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em từ đó có sự quan tâm và đầu tư đúng mức đối với công tác này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn việc bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương theo quy định tại Luật Trẻ em, để kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp…

Ghi nhận các kiến nghị của Long An, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết lưu ý, địa phương cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của cả các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em chưa đăng ký hoạt động, để can thiệp kịp thời khi có vấn đề phát sinh, giúp bảo vệ trẻ em an toàn. Đáng chú ý, Long An chỉ có 99/3.297 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở tập trung. Điều này đặt ra yêu cầu cần quan tâm tới cả số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được gia đình và cộng đồng nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em…

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)