Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng chủ trì phiên giải trình.
Tham dự phiên giải trình có, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em, Bí thư trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, ....
Toàn cảnh Phiên giải trình
Công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức
Báo cáo vIệc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, trong năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu, đôn đốc và điều phối các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thực hiện các Chương trình, Đề án, kế hoạch về trẻ em đã được phê duyệt; phối hợp theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí, tích cực tham gia phỏng vấn, tọa đàm trên các kênh thông tin đại chúng để định hướng dư luận xã hội, kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng;…
Bên cạnh đó, đã kịp thời phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em; chủ động, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết vụ việc bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch bệnh COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế như: Tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ xâm hại nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội ; công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội; Việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại thực hiện chưa tốt, vẫn còn một bộ phận thờ ơ, vô cảm, không thông tin, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em; Các kênh thông tin, truyền thông, bao gồm cả truyền thông đại chúng, mạng xã hội vẫn còn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em và tập trung đưa quá nhiều, khai thác chi tiết về một số vụ việc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được trong thời gian qua.
Ngoài ra, việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cung cấp, kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em và gia đình các em; Nhiều hoạt động có sự tham gia của trẻ em chưa được tổ chức hoặc nhiều tỉnh, thành phố không thể tổ chức được do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội bởi dịch bệnh COVID-19;
Phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác chỉ đạo về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại một số địa phương, trường học, cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức; Nhận thức của gia đình, cha, mẹ và một số cơ quan, tổ chức về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là việc phát hiện nguy cơ, thông tin, thông báo, tố giác vẫn còn hạn chế; Năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về thực hiện quyền trẻ em ở nhiều địa phương thiếu và yếu;…
Dự báo tình hình xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng
Dự báo trong thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, nhất là bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các thành viên trong gia đình hành hạ, xâm hại trẻ em; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt; tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, hậu quả tác hại ngày càng lớn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Trong đó, đối với nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ: Bộ sẽ phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Tham mưu ban hành chính sách, giải pháp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trẻ em di cư, trẻ em phải tách khỏi gia đình do bị bạo lực, xâm hại; Xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đối với trẻ em như: chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và khung giá về dịch vụ công về bảo vệ trẻ em, chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;…
Các vị Đại biểu Quốc hội tham dự Phiên giải trình
Về giải pháp tổ chức thực hiện: Phổ biến kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em, nhất là thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm về bảo vệ trẻ em, triển khai chương trình giáo dục làm cha mẹ, kỷ luật tích cực; Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình.
Đồng thời, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về phòng, chống xâm hại trẻ em; Nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu trẻ em với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, bảo hiểm xã hội và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; Hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em;…
Về nguồn lực, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Cần tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã thông qua việc chủ động phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng, phát triển mô hình “Mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em”; Thúc đẩy sự tham gia của đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và đơn vị có liên quan tham gia mạng lưới bảo vệ trẻ em; Đề xuất đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết một số vấn đề xã hội; lồng ghép nguồn lực bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trong các Chương trình mục tiêu quốc gia; Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.
Báo cáo tại Phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao , Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương,… trong thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em./.