HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN VĂN HOÁ

19/07/2022

Sau 20 năm ra đời, Luật Di sản văn hóa đã bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi và cũng có nhiều vấn đề thực tiễn mới nảy sinh cần được bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa.

 


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại cuộc làm việc

Sáng 19.7, tiếp tục chương trình tại Nghệ An, Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa làm Tổ trưởng đã làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch.

Báo cáo Đoàn giám sát về việc triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa trên địa bàn, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, công tác quản lý, bảo vệ, tổ chức các hoạt động tại di tích ở một số địa phương chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Di sản văn hóa. Một số di tích chưa làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ, chưa có biển dẫn tích, nội quy di tích; vẫn còn tình trạng xâm hại di tích.

Việc khai thác giá trị di tích trong phát triển du lịch chỉ mới thực hiện có hiệu quả ở một số di tích lớn như Khu di tích Kim Liên, đền Cờn, đền Quang Trung và một số danh thắng như thác Khe Kèm, khe nước Moọc, thác Bảy Tầng...

Mặc dù số lượng di tích trên địa bàn rất lớn, song nguồn lực tài chính đầu tư cho chương trình chống xuống cấp di tích còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Một số dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được cấp kinh phí nên chưa thể triển khai. Đối với các di tích ít có yếu tố tâm linh hay di tích cách mạng, việc xã hội hóa trong bảo vệ, tôn tạo di tích còn khó khăn và chưa đạt nhiều kết quả…


Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh đề nghị xem xét bổ sung một số quy định vào Luật Di sản văn hóa trong lần sửa đổi sắp tới

Từ thực tế tại địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa làm cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo, định hướng các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ở cơ sở. Trong lần sửa đổi Luật Di sản văn hóa sắp tới cần quan tâm bổ sung các quy định về hủy quyết định xếp hạng di tích; mở rộng, thu hẹp khuôn viên di tích; đánh giá ảnh hưởng cảnh quan môi trường đối với di tích, danh thắng; quản lý di tích tôn giáo đã được xếp hạng…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao và tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cho Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố. 

Đặc biệt, “tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, trong đó ưu tiên kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và các chương trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể” - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)