Luật Báo chí đã được ban hành từ năn 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 1999. Sau 15 năm thi hành, Luật Báo chí hiện hành cùng hệ thống văn bản dưới luật đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho quản lý lĩnh vực báo chí.
Báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là xu hướng hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, tuyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ, Luật Báo chí hiện hành không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí Việt Nam, không bao quát được đầy đủ hoạt động thuộc lĩnh vực này.
Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này gồm: 6 chương, 61 điều, quy định về tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.
Đa số các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá, Dự án Luật Báo chí lần này quy định tương đối toàn diện những vấn đề hoạt động báo chí của nước ta. So với Luật báo chí hiện hành, dự thảo Luật báo chí đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với tiến bộ của Hiến pháp 2013 về các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà báo, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Trong đó, các nội dung về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, bản quyền báo chí, những nội dung và hành vi bị cấm trong báo chí, quỹ hỗ trợ phát triển báo chí… được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, dự thảo Luật báo chí sửa đổi lần này vẫn chưa thừa nhận báo chí tư nhân. Cụ thể, trong Điều 16 của dự thảo Luật này quy định, đối tượng được thành lập cơ quan báo chí chỉ là “cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp” và các tổ chức khác của nhà nước do Chính phủ quy định. Ở các nước phát triển, báo chí tư nhân rất đa dạng nhưng đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Do đó, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, ở Việt Nam, chúng ta cũng nên chủ động nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh sẽ tốt hơn là ứng phó một cách thụ động.
Việc thừa nhận Báo chí tư nhân là phù hợp với Hiến pháp về quyền tự do báo chí và quy định của chính Điều 1 dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, khi nói rằng: “Báo chí nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là diễn đàn của nhân dân”.
Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nhà báo Hữu Thọ cho biết, việc sao chép, cắt ghép sản phẩm báo chí trên báo mạng ngày càng tràn lan, xâm hại đến quyền lợi của tác giả. Trong khi đó, luật pháp của chúng ta chưa có chế tài nào xử lý hiện trạng này. Bởi vậy, ông cho rằng, Luật Báo chí lần này cần có những quy định cứng rắn để khống chế căn bệnh cắt ghép, sao chép này trong ngành báo, đảm bảo quyền lợi cho tác giả.
Trưởng ban biên tập Kinh tế-xã hội-nội chính Báo Quân đội nhân dân Đỗ Phú Thọ cho rằng, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới diễn biết phức tạp, khó lường như hiện nay, những nội dung và hành vi bị cấm trong báo chí được quy định tại Khoản 1, Điều 11 cần được bổ sung thêm quy định về nghiêm cấm tuyên truyền chống lại Đảng Cộng sản và cấm lạm dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, một số đại biểu tham dự hội nghị còn cho rằng, để Luật báo chí có tính khả thi cao thì việc giải thích từ ngữ cũng cần phải tập trung hoàn thiện hơn. Nhiều từ ngữ, thuật ngữ trong Luật Báo chí không có trong từ điển, một số từ được giải thích chưa hoàn toàn rõ ràng. Các đại biểu cho rằng, những số khái niệm như: : “Bản tin”, “kênh chương trình phát thanh, truyền hình”,” liên kết trong hoạt động báo chí” “báo chí điện tử”, “tạp chí điên tử”… cần phải được giải thích rõ ràng và chính xác hơn, tránh mơ hồ, nhầm lẫn trong khi áp dụng luật.
Phát biểu kết thúc buổi hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Lê Như Tiến cảm ơn ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà báo. Những ý kiến này sẽ là cơ sở để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị cho việc thẩm tra dự án Luật Báo chí.
Phó chủ nhiệm Lê Như Tiến cho biết, dự án Luật này đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XIII. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11.