Tham vấn chuyên gia về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

22/07/2015

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2015, ngày 22/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi chủ trì hội nghị.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thông qua lần đầu tiên vào năm 1991 và được sửa đổi năm 2004 với 5 chương với 60 điều. Việc thông qua Luật đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em mà Việt Nam là một trong các quốc gia phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc sớm nhất.

Sau 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều đổi mới và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước ta đã có nhiều thay đổi. Mặc dù, nhận thức về quyền con người, quyền trẻ em đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong thời kỳ mới. Trong thực tế, đã xuất hiện nhiều hiện tượng, vấn đề mới tác động đến đời sống trẻ em và việc thực hiện các quyền trẻ em đòi hỏi pháp luật quy định và điều chỉnh.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay của đất nước, Quốc hội khóa XIII đã quyết định tiến hành sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 và Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014.

Theo dự thảo mới, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được gọi là Luật trẻ em (sửa đổi) có kết cấu gồm 6 chương, 70 điều, tăng thêm 1 chương và 10 điều so với Luật hiện hành; quy định về các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em; bảo vệ trẻ em; bảo đảm thực hiện các quyền được tham gia của trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc thực hiện các quyền trẻ em.

Dự thảo Luật thảo được lựa chọn và xây dựng theo mô hình kết hợp Luật khung  với quy định chi tiết, cụ thể một số nhóm quyền. Trong đó, phần khung sẽ quy định đầy đủ các nguyên tắc thực hiện và các quyền trong Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, định hướng cho các vấn đề, quy định về trẻ em của hệ thống pháp luật quốc gia; kết hợp với chi tiết 02 nhóm quyền chưa được quy định đầy đủ và có hệ thống trong các luật, bộ luật khác: Bảo vệ trẻ em (hệ thống bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính) và bảo đảm thực hiện các quyền tham gia của trẻ em.

Đa số các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá, Dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi) đã thể hiện nhận thức tương đối đầy đủ về quyền trẻ em so với Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành, phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam gia nhập năm 1990 và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia. Trong đó, các nội dung về độ tuổi trẻ em; vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; quy định về quyền của trẻ em; các hành vi bị nghiêm cấm được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Về độ tuổi trẻ em, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, dự thảo luật lần này quy định tuổi trẻ em là người từ dưới 18 tuổi là hoàn toàn phù hợp. PGS.TS Trần Thị Tâm Đan phân tích, nếu giữ quy định tuổi trẻ em là người từ dưới 16 tuổi như luật hiện hành thì thì những người từ đủ 16 đến 18 tuổi sẽ không được bảo vệ và chăm sóc theo Luật trẻ em. Trong khi đó, lứa tuổi từ đủ 16 đến 18 tuổi về mặt thể chất và tâm lý đang trong quá trình hoàn hiện, cần có sự quan tâm, hướng dẫn của gia đình và xã hội.

Về vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá cao những quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền trẻ em của dự thảo Luật. Tuy nhiên, vai trò của gia đình lại chưa được nhắc tới rõ trong dự thảo Luật. Trong khi đó, việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em thì gia đình đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Chính vì thế, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, dự thảo luật lần này cần quy định cụ thể và đầy đủ hơn về trách nhiệm của gia đình với trẻ em. Cụ thể như: cha mẹ phải học các lớp về nuôi dưỡng thai nhi và nuôi dạy trẻ, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội, đạo đức của con mình…

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật đề cập đến vai trò của gia đình còn mờ nhạt với 4 khoản quy định tại Điều 64. Các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật nên dành hẳn một chương để quy định chi tiết về nội dung này cho phù hợp với tầm quan trọng của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.

Về quy định về quyền của trẻ em, PGS.TS Vũ Công Giao, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quy định về quyền trẻ em trong dự thảo luật còn chưa đầy đủ và phù hợp. Đại biểu đề nghị, bên cạnh 4 nhóm quyền được quy định trong dự thảo luật, ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số quyền như: quyền được bảo vệ khỏi bị bỏ mặc hoặc sao nhãng chăm sóc, quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức bóc lột làm phương hại đến bất kỳ phương diện nào của trẻ em… để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia

Về việc áp dụng luật, theo TS Vũ Xuân Lâm, Vụ trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, một số quy định của dự thảo Luật trẻ em trùng lắp với quy định về người chưa thành niên trong Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự( sửa đổi)…Vì vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung nguyên tắc xử lý xung đột pháp luật và dẫn chiếu ưu tiên áp dụng luật này khi quy định của luật này khác với các luật khác trong cùng một vấn đề.

Để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt hiệu quả cao nhất, đại diện Bộ Nội Vụ cho rằng, cần có những giải pháp kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức làm công tác trẻ em các cấp. Cụ thể như: Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập về trẻ em theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác trẻ em; thực hiện tốt các chế độ, chính sách về tiền lương cho công chức, viên chức

Phát biểu kết thúc buổi hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Những ý kiến này sẽ là cơ sở để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị cho việc thẩm tra dự  thảo Luật trẻ em (sửa đổi).

Theo dự kiến, dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Nguyễn Phương-Hồ Hương