Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD,TN,TN,NĐ Đào Trọng Thi trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật tín ngưỡn tôn giáo
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Luật tín ngưỡng tôn giáo nhằm cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiến định tại Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết gia nhập ngày 24/9/1982; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo.
Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo có kết cấu gồm: 11 chương, 67 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Dự án Luật có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh như: việc mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, đồng thời xây dựng chương quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo...
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề gồm: phạm vi điều chỉnh và kết cấu của Luật; những hành vi bị cấm; đăng ký thành lập, quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo...
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần điều chỉnh cả lĩnh vực tín ngưỡng để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo hành lang pháp lý đầy đủ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và định hướng cho các hoạt động tín ngưỡng được thực hiện một cách lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn truyền thống của dân tộc.
Về những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Ban soạn thảo là cần quy định nội dung này trong dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì. Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng và quy định cụ thể, những hành vi nào bị cấm đối với cá nhân, những hành vi nào bị cấm đối với tổ chức. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị bổ sung nội dung, nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để chia rẽ, kỳ thị và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, thêm nội dung lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để vi phạm pháp luật và xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội và lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị, trong dự án Luật này, chúng ta cần phải xác định bổ sung và làm rõ quyền, nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo. Tức là Nhà nước phải đặt ra việc công nhận, đăng ký các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được đăng ký, được công nhận phải có quyền, nghĩa vụ trước các tín đồ, các tín ngưỡng của mình và trước luật pháp và quy định của địa phương.
Đánh giá, dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo là một dự án luật hết sức quan trọng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần thận trọng nghiên cứu nội dung của luật, giải thích từ ngữ rõ thêm về tín ngưỡng, về tôn giáo để làm sao không bị hành chính hóa, để rõ những việc mà trách nhiệm của Nhà nước giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo, vai trò của nhà nước sẽ xử lý thế nào khi có xung đột về tôn giáo…
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10.