Diễn đàn về các nội dung liên quan đến trẻ em trong Luật tiếp cận thông tin và Luật về hội

10/09/2015

Sáng 10/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn về các nội dung liên quan đến trẻ em trong Luật tiếp cận thông tin và Luật về hội. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng và Trưởng chương trình chính sách xã hội của UNICEF Yoshimi Nishino đồng chủ trì diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh cho biết, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự thảo luật có liên quan đến trẻ em trong đó có dự thảo Luật về hội và Luật tiếp cận thông tin, đặt ra vấn đề quyền tham gia của trẻ em được thể hiện như thế nào.

Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em nhấn mạnh quyền tham gia của trẻ em trong đó có quyền tự do bày tỏ ý kiến; tìm kiếm, tiếp cận phổ biến các loại thông tin; tự do kết giao và hội họp hòa bình.

Tại Việt Nam quyền tham gia của trẻ em được khẳng định tại khoản 1, Điều 37, Hiến pháp 2013 với nội dung trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; và được cụ thể hóa trong Luật vảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hiện hành.

Đây được đánh giá là vấn đề mới và tương đối phức tạp tại Việt Nam do đó diễn đàn được tổ chức nhằm có thêm thông tin từ phía các chuyên gia, các nhà làm luật để đảm bảo lồng ghép được vấn đề trẻ em trong hai dự thảo luật trên.

Cho ý kiến tại Diễn đàn, đại diện của UNICEF tại Việt Nam nhận định, Luật tiếp cận thông tin và Luật về hội tuy là hai dự thảo luật tách biệt nhưng có nhiều nội dung gắn kết chặt chẽ với nhau như vấn đề đảm bảo tính tự chủ của các nhóm, hội trẻ em thì đây cũng là cách thức để các nhóm này tiếp cận, xử lý, sử dụng thông tin nhằm các mục đích phát triển cũng như thúc đẩy sự tham gia tích cực của trẻ em trong các quyết định chính sách liên quan. Việc thảo luận vấn đề trẻ em trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin và Luật hội đồng nghĩa với việc tìm cách giải quyết các vấn đề trẻ em một cách toàn diện hơn.

Đại diện của UNICEF cho biết, Công ước quyền trẻ em đã xác nhận trẻ em là công dân tích cực, có quyền được tham gia vào những vấn đề có liên quan đến mình. Tuy nhiên, khái niệm công dân tích cực ở một số quốc gia trong đó có Việt Nam chưa được hiểu một cách đầy đủ, đồng thời trẻ em chưa được coi là chủ thể có tính chủ động trong cuộc sống của mình, thường được xem là đối tượng hưởng lợi thụ động trong việc thực hiện các quyền của mình. Do đó, quan điểm trên cần được thay đổi trong quá trình xây dựng Luật tiếp cận thông tin và Luật hội để trẻ em có tính chủ động và đảm bảo thực hiện quyền tham gia của trẻ.

Đại diện của UNICEF cũng nhấn mạnh quyền công dân của trẻ em cần phải được thể hiện trong hai dự thảo luật đồng thời phải có những điều khoản chi tiết hỗ trợ trẻ em thực hiện các quyền của mình.

Thảo luận về dự thảo Luật tiếp cận thông tin, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, quyền thông tin của trẻ em cần phải được hiểu là mọi trẻ em không có sự phân biệt về giới tính, thành thị, nông thôn, thành phần dân tộc… đều có quyền bày tỏ ý kiến, tìm kiếm thông tin, bày tỏ quan điểm và tiếp cận thông tin phù hợp. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo các quyền này trên cơ sở lợi ích tốt nhất của trẻ.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng, trẻ em phải được coi là một chủ thể đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin; thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, có thể tiếp cận được và phù hợp với khả năng hiểu biết và độ tuổi của trẻ em. Do đó, dự thảo Luật tiếp cận thông tin cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận của trẻ em với các thông tin cần thiết; nghiêm cấm việc cung cấp, sử dụng thông tin vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hay ảnh hưởng tới sự sống và sự phát triển của trẻ em cũng như khả năng tham gia một cách có ý nghĩa trong xã hội của trẻ em.

Các quy định của dự thảo Luật tiếp cận thông tin, Luật trẻ em và dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần phải phù hợp và thống nhất với nhau để bảo đảm tính thống nhất của các quy định pháp luật và bảo đảm sự tôn trọng các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Liên quan đến dự thảo Luật về hội, Giám đốc Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội, Luật gia Lê Thế Nhân cho rằng, dự thảo thiếu cơ chế đảm bảo quyền tự do thành lập, tham gia hội nhóm và hội họp hòa bình của trẻ em. Do đó, sẽ dẫn đến việc khó phát huy được tính “xã hội” của các tổ chức hội cũng như tiếng nói tập thể của mọi người dân, kể cả trẻ em. Quy định về giới hạn tuổi trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện tại liên quan đến quyền tự do lập hội của công dân đã ảnh hưởng quyền tự do hội họp hòa bình và lập hội của trẻ em; các quy định hiện tại không khuyến khích quyền tự do lựa chọn hay tôn trọng sự đa dạng việc lập hội của trẻ em.

Dự thảo cần được xây dựng trên quan điểm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do hội họp và lập hội của mọi người dân; là cơ sở pháp lý đảm bảo để người dân thực hiện quyền này; không nên tạo ra các rào cản về điều kiện, thủ tục hành chính nhà nước can thiệp vào quá trình nội bộ của hội, làm cản trở quyền tự do hội họp và lập hội của người dân.

Kết luận tại Diễn đàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh đánh giá cao những ý kiến trao đổi của các chuyên gia, các nhà làm luật cho rằng đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng như đảm bảo lồng ghép được vấn đề trẻ em trong các văn bản luật do Quốc hội ban hành.

Một lần nữa Phó chủ nhiệm Ngô Thị Minh nhấn mạnh, cần đứng về phía trẻ em để đảm bảo tôn trọng sự phát triển toàn diện, vì lợi ích tốt nhất và không phân biệt đối xử với trẻ em và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận và dễ hiểu với mọi trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Tin và ảnh: Bảo Yến