Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Ảnh:Đình Nam
Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 vừa qua. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về cơ chế điều phối liên ngành, bổ sung các chính sách khuyến khích chăm sóc thay thế cho trẻ em, và giải thích từ ngữ rõ hơn trong Luật.
Về cơ chế điều phối liên ngành về vấn đề trẻ em, Phó Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, các hoạt động trẻ em rất lớn và phong phú, nó không nằm gọn trong nhiệm vụ của một cơ quan nào, mà thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Cụ thể, ngoài Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm nhân dân sát tối cao, còn có 7 Bộ cụ thể và các cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các cấp, các tổ chức xã hội, các tổ chức cung cấp dịch vụ cho trẻ em, các tổ chức kinh tế… được nêu trong dự thảo Luật này. Ví dụ, các vấn đề liên quan đến giáo dục trẻ em sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, hay hoạt động vui chơi của trẻ em là do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm…
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thành lập một Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp giữa Chính phủ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp; giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện các quyền trẻ em là vô cùng cần thiết để đảm bảo tính khả thi khi Luật được ban hành.
Về độ tuổi của trẻ em, đa số ý kiến nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi thay vì dưới 16 tuổi như luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ về “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.
Trên thực tế không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.
Hơn nữa, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định “Trẻ em là người dưới mười tám tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Theo đó, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định. Hiến pháp và các bộ luật liên quan đều quy định người từ đủ 18 tuổi (người thành niên) trở lên mới có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Như vậy, hệ thống pháp luật nước ta đã thống nhất quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên và độ tuổi này được xác định là ranh giới để phân biệt giữa người chưa trưởng thành đầy đủ với người trưởng thành đầy đủ.
Trước lo ngại việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước,Ủy ban Thường vụ cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4.384.472. Khi điều chỉnh độ tuổi, 4.384.472 người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật thanh niên và chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho khoảng 250.000 người các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.
Bên cạnh những vấn đề trên, một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm khái niệm “bổn phận” được nhắc đến rất nhiều từ Điều 37 đến Điều 41 trong dự thảo Luật. Chủ tịch Ksor Phước cho rằng, cần phải làm rõ sự khác nhau giữa “bổn phận”, “trách nhiệm”, “nghĩa vụ” là như thế nào, tránh cách nói nôm na, dân gian, khi đưa vào Luật thì các từ ngữ cần được luật hóa và giải thích cụ thể rõ ràng. Và nếu trẻ em không thực hiện đúng những “bổn phận” này thì bản thân các em, gia đình, người bảo hộ, nhà trường có bị chịu hậu quả gì hay không?