Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật báo chí (sửa đổi)

18/02/2016

Sáng 18/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật báo chí (sửa đổi). Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp                                                                 Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của dự thảo Luật Báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết: Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Đồng thời, cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; báo điện tử và trang thông tin điện tử...

Về quyền tự do báo chí của công dân, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng các điều kiện để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là vấn đề quan trọng đã được quy định trong Hiến pháp. Quyền đó không chỉ ở khía cạnh công dân được quyền cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi báo chí mà còn là quyền công dân được thụ hưởng các tác phẩm, sản phẩm của báo chí như thế nào. Do đó, Trưởng ban dân nguyện đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét để cụ thể hóa quyền tự do báo chí của công dân một các toàn diện trong Dự thảo luật.

Băn khoăn trước tình trạng, các trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội đang ngày càng phát triển và thu hút được sự quan tâm lớn của người dân nhưng lại không thuộc đối tượng quản lý của Luật Báo chí, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc KSor Phước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo cẩn xem xét cân nhắc về vấn đề này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chỉ ra rằng, hiện nay xu thế theo dõi các trang mạng xã hội, truy cập và sử dụng thông tin từ các trang mạng là tương đối lớn, trong khi đó, quản lý nhà nước về vấn đề này còn lóng ngóng, chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn. Nguồn thông tin từ các trang mạng xã hội rất đa chiều, do đó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu đến việc quy định các điều, khoản cụ thể trong Luật Báo chí để làm tốt chức năng quản lý nhà nước về vấn đề này.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ, không tư nhân hóa báo chí, thương mại báo chí. Do đó, Luật này chỉ quản lý các loại hình báo chí của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị từ cấp tỉnh trở nên. Tuy nhiên, trong qua trình phát triển, vẫn có thể có sự liên kết với tư nhân với những nội dung về khoa học, văn hóa xã hội không mang tính nhạy cảm về chính trị. Bộ trưởng cũng nêu rõ, hoạt động của các trang mạng, trang thông tin điện tử sẽ được quản lý bởi các quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm của người đứng đầu và Tổng Biên tập, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn của hai chức danh này hoàn toàn giống nhau. Trong khi đây là hai chức danh khác nhau, có những nhiệm vụ quyền hạn không giống nhau. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, tránh việc quy định trùng lắp dẫn đến cách hiểu không chính xác hai chức danh này.

Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban Thường vụ cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ trách nhiệm của từng chức danh là người đứng đầu và Tổng Biên tập đối với hoạt động của cơ quan báo chí, khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra sai phạm. Cụ thể, dự thảo luật đã quy định tổng biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin từng sản phẩm báo chí; người đứng đầu chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan báo chí, tuy nhiên chưa quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, báo chí Việt Nam ngày càng phát triển và là kênh thông tin rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước cũng như đời sống của người dân. Do đó, Phó chủ tịch đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Luật Báo chí một cách khẩn trương, hiệu quả với tinh thần, báo chí phát triển đến đâu quản lý đến đó và Luật Báo chí góp phần thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp.

Hồ Hương