ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG LÀM VIỆC VỚI BỘ GD & ĐT VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

06/07/2018

Chiều 06/7, Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ tổ chức phiên họp làm việc với Bộ GD & ĐT về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên phọp

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ quan có liên quan và chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, việc sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cần đảm bảo tuân thủ với Hiến Pháp và Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại Tổ và tại Hội trường. Theo đó, Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Giáo dục đại học năm 2012. Về cơ bản, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐH, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dự thảo luật được Quốc hội đánh giá cao và đồng ý với hồ sơ Dự án luật.

Đại học có các trường thành viên

Trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại diện Ban soạn thảo- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, về hệ thống các cơ sở GDĐH, các đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại mô hình đại học quốc gia, đại học vùng hiện nay; xem xét kỹ việc phát triển đại học vùng tránh theo hướng cơ học; cần có sự tổng kết, đánh giá hoạt động của các đại học vùng hiện nay để quy định rõ tư cách pháp lý của các cơ sở này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Ban soạn thảo đã chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học theo hướng quy định các đại học có các trường thành viên, trường, khoa và bộ môn; các trường đại học có thể có trường, khoa, bộ môn.

Cơ sở GDĐH có thể thành lập doanh nghiệp

Về cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học, đại diện Ban soạn thảo cho biết, tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định mang tính ràng buộc pháp lý hơn đối với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; không nên xem trường có vốn đầu tư nước ngoài như một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi dựa vào tỉ lệ vốn góp 51% theo quy định của Luật đầu tư và không nên quy định cho phép cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên được tự chủ quyết định về cơ cấu tổ chức do trường mang quốc tịch Việt Nam, là pháp nhân Việt Nam và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên cần phải quản lý và quy định về tổ chức và hoạt động, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định về tỉ lệ vốn góp 51% theo quy định của Luật đầu tư thì được tự chủ về tổ chức bộ máy của cơ sở GDĐH.

Tiếp thu ý kiến đề nghị tách bạch giữa hoạt động quản trị cơ sở giáo dục đại học với hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo cũng như giữa việc thành lập cơ sở giáo dục đại học với thủ tục thành lập doanh nghiệp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cơ sở GDĐH có thể thành lập doanh nghiệp, nhưng việc thành lập doanh nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp bên trong cơ sở GDĐH được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đồng thời quy định, toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp thuộc cơ sở GDĐH phải được sử dụng vào mục đích tái đầu tư phát triển cơ sở GDĐH.

Đại diện Ban soạn thảo- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về thành phần Ban kiểm soát trong dự thảo Luật; quy định về Đại hội đồng cổ đông cho thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp; bổ sung quy định về số lần và hiệu lực của việc triệu tập họp định kỳ, họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng này tại các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 16a, 17a.

Cải tiến hình thức đào tạo

Liên quan đến hình thức đào tạo, Báo cáo dự kiến tiếp thu của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: Tiếp thu ý kiến đề nghị cải tiến hình thức đào tạo các nước để có hình thức đào tạo phù hợp với nước ta ; bổ sung hình thức đào tạo trực tuyến trong giáo dục thường xuyên và xây dựng cơ chế cho phép chuyển đổi linh hoạt trong việc kết hợp phương thức đào tạo trực tuyến với các phương thức truyền thống khác, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung hình thức đào tạo trực tuyến vào dự thảo luật.

Về đề nghị xây dựng cơ chế cho phép chuyển đổi linh hoạt trong việc kết hợp phương thức đào tạo trực tuyến với các phương thức truyền thống khác, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung hình thức đào tạo toàn thời gian đối với các chương trình đào tạo chính quy; hình thức bán thời gian hoặc đào tạo trực tuyến đối với các chương trình đào tạo từ xa, vừa làm vừa học. Đồng thời quy định về việc cho phép kết hợp các hình thức đào tạo trực tuyến với hình thức đào tạo toàn thời gian hoặc bán thời gian.

Không quy định cứng thời gian đào tạo

Về thời gian đào tạo, tiếp thu ý kiến cho rằng xác định thời gian đào tạo theo học chế tín chỉ mâu thuẫn với quy định về thời gian đào tạo; không phù hợp thực tiễn; không nên quy định cứng thời gian đào tạo; đề nghị quy định thống nhất thời gian hoàn thành chương trình đào tạo là thời gian tích lũy khối lượng tín chỉ, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định thời gian tối thiểu cần hoàn thành chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 35 Luật GDĐH hiện hành.

Đối với việc mở ngành đào tạo, tiếp thu ý kiến đề nghị có quy định cởi mở, thông thoáng hơn trong mở ngành, tăng cường chủ động cho các trường; quy định rõ các điều kiện để mở mã ngành và cơ chế kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó giao thẩm quyền cho Hội đồng trường quyết định việc mở ngành đào tạo; đề nghị quy định tại khoản 6, nếu trường khắc phục được các thiếu sót trong tự chủ mở ngành thì sau 3 năm được phép mở lại ngành đào tạo, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng này tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 33 Luật hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp

Về văn bằng, tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định việc thẩm định, công nhận bằng cấp do nước ngoài cấp; ban hành danh mục các trường nước ngoài được công nhận văn bằng  và quy định rõ trong Luật thời hạn xét công nhận (khoảng 2 tuần) với các trường chưa có trong danh mục, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng này, quy định tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 38 Luật hiện hành.

Ngoài ra, về liên kết đào tạo, Tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề” (Điều 37), Dự thảo luật đã được chỉnh lý theo đề nghị này.

Chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ

Đối với nội dung liên quan đến giảng viên, đại diện Ban soạn thảo nêu rằng, một số ý kiến đề nghị có cơ chế giao quyền cho cơ sở giáo dục đại học chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ giảng viên; cho phép các trường được tuyển dụng, bổ nhiệm người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài vào các vị trí, chức vụ quản lý phù hợp; đề nghị làm rõ nội dung quy định Hiệu trưởng trường đại học được phép bổ nhiệm các chức danh giảng viên đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đề nghị không nên quy định cụ thể việc ưu tiên tuyển dụng người đạt chức danh tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà nên để cơ sở giáo dục đại học tự chủ tuyển dụng căn cứ vào nhu cầu cho hợp lý; giao thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giảng viên cho Hiệu trưởng nhưng cần có quy định cụ thể về thời gian, thời hạn bổ nhiệm cho phù hợp với yêu cầu vị trí công tác, năng lực chuyên môn. Giao quyền cho các trường có đủ năng lực, điều kiện và uy tín được tự chủ xem xét, phong tặng danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự cho công dân Việt Nam có đóng góp quan trọng và xứng đáng cho giáo dục đại học.

Các đại biểu tại phiên họp

Dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định liên quan đến giảng viên và quy định chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư, giáo sư tham gia giảng dạy trong và ngoài nước.

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định thật rõ ràng về hệ thống cơ sở giáo dục đại học: định nghĩa và phân biệt rõ các khái niệm đại học, trường đại học, học viện và tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại trường; xác định rõ về mô hình Đại học; làm rõ mối quan hệ giữa đại học và trường thành viên. Bên cạnh đó, bổ sung các tiêu chí phân biệt rõ loại hình trường công lập, trường tư thục, trường không vì lợi nhuận, trường có vốn đầu tư nước ngoài; có cơ chế chuyển đổi loại hình trường. Đồng thời quy định rõ các hình thức học tập trong giáo dục thường xuyên, phù hợp với các quy định về giáo dục mở.

Ngoài ra, các nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề tuyển sinh ở các trường đại học, tự chủ đại học, tổ chức- nhân sự, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo đại học, vị trí của Hội đồng trường, chính sách đối với giảng viên… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận./.

Thu Phương

Các bài viết khác