ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG LÀM VIỆC VỚI MỘT SỐ BỘ, NGÀNH VỀ DỰ THẢO LUẬT THƯ VIỆN

30/07/2019

Sáng ngày 30/7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với một số Bộ, ngành về dự thảo Luật Thư viện. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đại diện Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý hiện có 05 chương 50 điều, quy định về hoạt động của thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. So với dự thảo Luật trình Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý giảm 01 Điều.  Chương I của dự thảo luật bổ sung thêm 02 điều mới về xã hội hóa hoạt động thư viện (Điều 5) và Ngày sách và Văn hóa đọc (Điều 6), đổi tên và chuyển điều phân loại thư viện vào chương II, lược bỏ điều về tổ chức xã hội-nghề nghiệp thư viện (đưa thành 01 khoản về tổ chức liên quan ở chương 4. Chương II đổi tên thành thành lập thư viện, thiết kế thành 02 mục (các loại thư viện và thành lập thư viện). Chương III về hoạt động thư viện bổ sung 03 điều mới về phát triển văn hóa đọc (Điều 37), Hiện đại hóa thư viện (Điều 28), nguồn tài chính cảu thư viện (Điều 32). Đồng thời, lược bỏ Chương V, các nội dung xếp hạng thư viện và đánh giá thư viện được chuyển thành 02 Điều tại chương này. Bên cạnh đó, Chương IV cũng đã chỉnh lý lại quyền và nghĩa vụ của thư viện, tổ chức cá nhân trong hoạt động thư viện; lược bỏ các điều về quyền và nghĩa vụ của các loại thư viện chuyển lên Chương II thành chức năng nhiệm vụ của thư viện. Chương 5 về quản lý nhà nước về thư viện cũng đã tích hợp 03 điều quy định về nội dung quản lý nhà nước về thư viện, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành đều cho rằng dự thảo Luật Thư viện đã có sự điều chỉnh, sắp xếp lại bố cục hợp lý hơn, logic hơn. Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về Văn hóa, thúc đẩy sự phát triển nói chung của đất nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. 

Tuy vậy, việc phân loại thư viện như trong dự thảo Luật chưa bao quát hết các loại hình thư viện ở Việt Nam, như thư viện của lực lượng vũ trang (gồm quân đội, công an), thư viện trực thuộc Bộ - cơ quan ngang Bộ - cơ quan thuộc Chính phủ - thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp... Các đại biểu cho rằng, cần phân loại rõ thì khi ra đời Luật mới triển khai được, tránh tình trạng có thư viện không biết nằm ở loại hình nào.

Đại diện các bộ, ngành phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Đánh giá hệ thống thư viện ở nước ta hiện nay rất đa dạng, với Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành, 659 thư viện cấp huyện và hàng nghìn thư viện/tủ sách cấp xã và cơ sở. Số lượng thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có khoảng trên 60 thư viện. Trong đó, thư viện ở các trường đại học và thư viện chuyên ngành là những loại hình thư viện đang hoạt động và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hai loại hình thư viện này chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Do vậy, các đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần có những quy định tập trung để phát triển mạnh hai loại hình thư viện này.

Liên quan đến chính sách Nhà nước với phát triển sự nghiệp thư viện quy định tại Điều 4, các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình với nội dung đưa ra trong dự thảo Luật, tuy nhiên đại diện Bộ Giáo dục- Đào tạo cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh các quy định về nội dung này sao cho thể hiện rõ được sự ưu tiên của Nhà nước trong đầu tư phát triển hoạt động thư viện. Trong đó, các quy định nêu cụ thể khuyến khích cái gì, khuyến khích ra làm sao, tránh nói chung chung. Ví dụ, đối với các thư viện công lập, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư…

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thảo luận về mạng lưới thư viện và mô hình tổ chức của các loại hình thư viện; liên thông thư viện; hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, hiện đại hóa trong hoạt động thư viện; đánh giá và xếp hạng thư viện; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện…

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của đại diện các bộ, ngành tại buổi làm việc; cho rằng đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện chuẩn bị trình Quốc hội tại các phiên họp tới. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh, Luật Thư viện ra đời phải thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin, phát triển văn hóa đọc, hiện đại hóa hệ thống thư viện./.

Thu Phương