Tham dự hội nghị có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Bộ Nội vụ; đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; các đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực thanh niên.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy, việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Cụ thể, một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.
Toàn cảnh hội nghị
Ngoài ra, cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên chưa rõ nét, còn chung chung. Do đó, thanh niên khó phát huy và thực hiện được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên. Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá", Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên, cơ chế phối hợp trong công tác thanh niên và vai trò của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết cũng cho rằng, sau 13 năm triển khai và thi hành, Luật Thanh niên đã bộc lộ những bất cập. Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết. Việc xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ giúp thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết phát biểu
Theo đại diện Ban soạn thảo, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đóng góp xây dựng, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 Chương và 62 Điều, tăng 26 Điều so với Luật hiện hành. Dự thảo Luật xây dựng trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua: Quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và một số nhóm thanh niên cụ thể; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên; quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên...
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và phù hợp với sự phát triển của thanh niên. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; phát huy vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới công tác quản lý nhà nước về Thanh niên đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực.
Liên quan đến quy định về đối thoại với thanh niên ở Điều 10, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho biết, đối thoại thanh niên đã được quy định tại các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã được thực hiện trong thực tiễn thời gian qua, do đó hoàn toàn thống nhất với việc quy định về đối thoại thanh niên trong Luật thanh niên (sửa đổi). Tuy nhiên, cần sửa đổi nội dung này theo hướng mở rộng trách nhiệm đối thoại bao gồm cả đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vì họ là người đại diện ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương, cả nước và trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, trong thời hạn 15 ngày sau khi đối thoại, kết quả tiếp thu, giải trình, giải quyết đối thoại với thanh niên được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi văn bản đến tổ chức thanh niên liên quan.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội ở Điều 38 chưa làm rõ được trách nhiệm tạo điều kiện, môi trường, trách nhiệm lấy ý kiến thanh niên thuộc về ai, cơ quan nào? Đây là trách nhiệm của nhà nước hay nhà nước có chính sách đảm bảo những cơ quan nào phải thực hiện? Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định chủ thể vào các khoản này. Bên cạnh đó, tại Khoản 3, dự thảo quy định về việc tạo điều kiện, môi trường học tập, làm việc còn chung chung, chưa nêu rõ chính sách tạo ra môi trường học tập, làm việc như thế nào, do ai thực hiện. Mặt khác, việc chỉ quy định tạo điều kiện, môi trường học tập làm việc dành cho thanh niên cán bộ, công chức, viên chức sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử với các đối tượng thanh niên khác. Vì vậy, đề nghị Ban doạn thảo cân nhắc thêm.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về độ tuổi thanh niên; quyền và nghĩa vụ của thanh niên, chính sách nhà nước với thanh niên, trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên...
Buổi chiều, hội nghị tiếp tục thảo luận về các nội dung quy định khác trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)./.