Toàn cảnh hội nghị
Thanh niên là lực lượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, vì vậy, công tác phát triển thanh niên luôn được các quốc gia quan tâm và đến nay đã trở thành một xu thế toàn cầu với 142/196 quốc gia có chính sách riêng về thanh niên và 43/196 quốc gia có Luật riêng về thanh niên. Để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy vai trò, Việt Nam đã xây dựng Luật Thanh niên 2005 với tư cách là văn bản luật chuyên biệt, quy định các vấn đề liên quan, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển thanh niên.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Luật hiện hành đến nay chưa tạo được đột phá trong công tác thanh niên, do nhiều nguyên nhân, trong đó tuy nhận thức chung đã có tiến bộ, nhưng quản lý nhà nước về thanh niên còn nhiều vấn đề...
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nêu rõ, một số quy định của Luật Thanh niên hiện hành còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và khó áp dụng. Nguồn lực đầu tư cho thanh niên so với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương chưa tương xứng và hiệu quả thấp. Thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, chưa có sự gắn kết hữu cơ giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách. Tính pháp chế trong thi hành Luật còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng. Cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên cũng còn nhiều hạn chế.
Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Astrid Bandphát biểu ý kiến tại hội nghị
Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và phù hợp với sự phát triển của thanh niên. Do vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; phát huy vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên.
Đại diện Ban soạn thảo cho biết, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đóng góp xây dựng, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 Chương và 62 Điều, tăng 26 Điều so với luật hiện hành. Dự thảo Luật xây dựng trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua: quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và một số nhóm thanh niên cụ thể; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên; quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên...
So với Luật hiện hành, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo có nhiều quy định rõ ràng hơn về quyền, nghĩa vụ của thanh niên, chính sách của Nhà nước với thanh niên. Tuy nhiên, gần như tất cả các điều đã được thay đổi so với luật hiện hành, có nên giữ là Luật Thanh niên (sửa đổi)? Ban soạn thảo cần đánh giá tác động của các chính sách về thanh niên, từ đó sửa đổi luật cho phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao; cần có cơ chế cho thanh niên tham dự việc xây dựng chính sách và hoạch định chính sách; bên cạnh đó, nghiên cứu tìm ra phương án tốt nhất cho việc quản lý nhà nước về công tác thanh niên...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Theo Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Astrid Band, Luật Thanh niên rất phức tạp, có tác động sâu rộng, và đòi hỏi tương thích với các thông lệ, quy định của quốc tế. Thanh niên cần tiếp cận dựa trên quyền, coi thanh niên là trung tâm, là tác nhân, chủ nhân của sự phát triển. Vì thế, Luật cần xây dựng khung pháp lý đủ mạnh, hỗ trợ, trao quyền cho thanh niên, tối đa hóa khả năng của thanh niên trong đóng góp cho cộng đồng, đất nước...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, việc sửa Luật Thanh niên đang đặt ra nhiều vấn đề, bởi Hiến pháp 2013 đặt ra rất rõ về quyền con người, quyền công dân và các luật cần rà lại để hoàn chỉnh. Luật hiện hành có thể nói là chưa đáp ứng hết tình hình thực tế cuộc sống hiện nay; trong thời đại toàn cầu hóa, thanh niên cũng như cơ chế quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, phải nhìn lại và có sự chuẩn bị cho lực lượng công dân trẻ... Tuy nhiên, sửa Luật Thanh niên là không dễ, vì chồng chéo với nhiều luật, và có nhiều vấn đề cần cân nhắc thêm: chính sách dành cho thanh niên cụ thể đến đâu, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ hay cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên; sự giao thoa tuổi trẻ em với người lớn.../.