Toàn cảnh hội nghị
Luật Thanh niên được thông qua tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Luật Thanh niên ra đời đã tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước ban hành các chính sách chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời nêu cao trách nhiệm, vai trò của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến các chính sách phát triển thanh niên
Quan thực tế triển khai Luật Thanh niên (2005) 13 năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển thanh niên.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá"; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quyết định số 217, ngày 12/12/2013); nhiều bộ ngành cũng đã tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ, phát triển thanh niên, tuy nhiên quá trình xây dựng và thực thi chính sách còn thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; đặc biệt thiếu cơ chế kết nối, thiếu sự phản hồi từ đối tượng thụ hưởng chính sách; công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chưa đến được đối tượng đích (thanh niên)..
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội, nhiều ý kiến đại biểu cũng đánh giá cao khi nhiều Bộ, ngành, địa phương đưa cán bộ, công chức trẻ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt vào quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý và có kế hoạch đào tạo làm dự nguồn nhân lực lâu dài như dự án 500 trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã khó khăn; dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo…. Bên cạnh đó, thông qua vai trò đại diện thanh niên tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, thanh niên đã tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề xuất kiến nghị với chính quyền địa phương các cấp.
Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương Nguyễn Thanh Hảo cho rằng, việc lấy ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên trước khi quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên ngày càng được các cấp, các ngành chú trọng. Định kỳ hàng năm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương đã làm việc với tổ chức Đoàn, đối thoại với thanh niên để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thanh niên.
Xuất hiện nhiều bất cập trong thực tiễn.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Luật Thanh niên trong thời quan qua cho thấy một số quy định thuộc trách nhiệm của các Bộ quy định trong Luật Thanh niên chưa có hướng dẫn cụ thể, như: việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội, trong hôn nhân và gia đình hoặc chậm hướng dẫn, như: chính sách đối với thanh niên xung phong được ban hành năm 2011, sau 5 năm thực hiện Luật; chính sách đối với thanh niên tình nguyện, được ban hành năm 2015, sau 9 năm thực hiện Luật; việc xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành thì sau 12 năm mới sửa đổi, bổ sung; chưa có chính sách đối với một số đối tượng thanh niên đặc thù, như: thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cải tạo, sau cai nghiện; một số lĩnh vực cụ thể đối với thanh niên mặc dù đã ban hành chính sách nhưng còn ít và hiệu quả đạt được chưa cao. Một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thanh niên chậm được tháo gỡ, trong đó có cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong cả nước vẫn chưa được xác lập (chưa xây dựng cơ chế để thực hiện).
Bên cạnh đó, công tác theo dõi đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên chưa được quan tâm đúng mức, chưa được duy trì thường xuyên. Nhiều quy định của Luật, Nghị định còn chung chung, còn mang nặng tính động viên, khuyến khích, chưa có cơ chế, chế tài để đảm bảo thực hiện. Nguồn lực để thực hiện các chính sách cho thanh niên trong Luật Thanh niên còn chưa được bảo đảm. Bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên thiếu tính ổn định, từ cấp Sở Nội vụ trở xuống là kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên và cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên chưa được xác định rõ nên chưa phát huy được hiệu quả tham mưu của mỗi cơ quan.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị
Ngoài ra, nhận thức thực hiện Luật Thanh niên của nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng coi công tác thanh niên chỉ là hoạt động phong trào và thuộc trách nhiệm của Đoàn Thanh niên, coi thanh niên như mọi công dân khác nên trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách không tách rõ chính sách thực hiện cho thanh niên; việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách đối với thanh niên còn chung chung, chưa có số liệu sát đúng với tình hình thực tế, từ đó làm hạn chế nhất định trong việc đưa ra các đề xuất, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng mới các chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thanh niên phù hợp với yêu cầu mới
Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) lần này gồm 6 Chương và 54 Điều, có nhiều điểm mới so với Luật Thanh niên 2005, trong đó có bổ sung quy định về Tháng thanh niên (Điều 10); đối thoại với thanh niên (Điều 11); về tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội (Điều 21)… Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu tại hội nghị cho rằng, dự thảo luật vẫn chỉ tiếp cận với chính sách của nhà nước "cho" thanh niên mà chưa đề cập đến việc thanh niên vừa là chủ thể (tham gia xây dựng, quản lý) vừa là đối tượng thụ hưởng của chính sách.
Để Luật Thanh niên (sửa đổi) được hoàn thiện, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương Nguyễn Thanh Hảo đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào Điều 21 và Điều 29 về tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội, của dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi). Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 21 của dự thảo Luật theo hướng: thanh niên được giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân; thanh niên chủ động phản ánh nguyện vọng, đề xuất những sáng kiến, ý tưởng xây dựng và thực thi chính sách trực tiếp tới cơ quan quản lý nhà nước hoặc thông qua tổ chức thanh niên; tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải đáp, phản hồi, tham vấn ý kiến thanh niên trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 29 theo hướng: thanh niên tham gia, tổ chức, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động gia đình, bạn bè và bản thân gương mẫu thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật; thanh niên tích cực tố giác, đấu tranh với luận điệu, âm mưu gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, ứng xử có văn hóa, đạo đức, nghĩa tình; có ý chí lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, việc sửa Luật Thanh niên đang đặt ra nhiều vấn đề, bởi Hiến pháp 2013 đặt ra rất rõ về quyền con người, quyền công dân và các luật cần rà lại để hoàn chỉnh. Luật hiện hành có thể nói là chưa đáp ứng hết tình hình thực tế cuộc sống hiện nay; trong thời đại toàn cầu hóa, thanh niên cũng như cơ chế quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, chúng ta phải nhìn lại và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên để có sự chuẩn bị cho lực lượng công dân trẻ phù hợp với yêu cầu mới... Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cũng cho rằng, sửa Luật Thanh niên là không dễ, vì chồng chéo với nhiều luật, và có nhiều vấn đề cần cân nhắc thêm./.