Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi Luật Điện ảnh được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành 10 nghị định liên quan đến quản lý và hoạt động điện ảnh; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 13 thông tư và 3 quyết định điều chỉnh các hoạt động chuyên ngành điện ảnh. Về cơ bản, hệ thống văn bản pháp quy quản lý hoạt động điện ảnh đã được ban hành kịp thời, góp phần quan trọng đưa Luật Điện ảnh vào thực tiễn cuộc sống và phát triển nền điện ảnh nước nhà thời gian qua.
Tuy nhiên, cho đến nay, một số quy định của Luật Điện ảnh chưa tương thích hoặc chồng chéo với các luật mới được ban hành; một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh thiếu tính khả thi, chưa được thực hiện đầy đủ; một số quy định còn thiếu, chưa theo kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim...
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được xây dựng, gồm 8 chương, 49 điều, với những nội dung mới như: Quy định về nguyên tắc của hoạt động điện ảnh, quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh, bảo đảm phân chia công bằng, hợp lý về suất chiếu, tỷ lệ doanh thu chiếu phim với các cơ sở điện ảnh khác có chức năng phổ biến phim, mở rộng đối tượng được nhập khẩu phim... Để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi Luật Điện ảnh để quản lý việc phát hành, phổ biến phim trên internet nói chung và dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền trên internet nói riêng.
Hội Điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đề xuất: Nên đặt vấn đề “tồn tại, hạn chế của Luật Điện ảnh trước sự phát triển của công nghệ số”; Nhà nước xem xét thành lập và tạo nguồn tài chính cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quốc gia hoạt động; quy định cụ thể hơn về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh...
Tại buổi làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tập trung tìm hiểu về các vấn đề Nhà nước đầu tư, đặt hàng sản xuất phim; đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh; cơ chế, chính sách cho điện ảnh phát triển; vấn đề hợp tác quốc tế, bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, có nhiều vấn đề đang đặt ra khi xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), như phim nhà nước và phim tư nhân, phim trong nước và phim nước ngoài, phục vụ người dân và phát triển điện ảnh, lưu trữ nhà nước và sở hữu trí tuệ; phát hành; tài chính và vai trò của Nhà nước... Đây là giai đoạn mới, điện ảnh không chỉ phục vụ người dân, mà cần được coi như một chiến lược về quảng bá quốc gia, bởi ngôn ngữ điện ảnh có thể đến với bạn bè quốc tế dễ dàng nhất... Những vấn đề này cần được nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).