HỘI NGHỊ THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT ĐIỆN ẢNH VÀ GÓP Ý XÂY DỰNG LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

13/04/2021

Sáng 13/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VH,GD,TN,TN&NĐ) đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 

Toàn cảnh Hội nghị tham vấn chuyên gia

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ, chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ Hoàng Thị Hoa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cơ quan ban ngành, Đại sứ quán, các cơ sở điện ảnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm VH,GD,TN,TN&NĐ Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Luật Điện ảnh được Quốc hội ban hành năm 2006, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động điện ảnh phát triển, thu được những thành tựu nhất định, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. 

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ, phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa nhằm đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tác động làm thay đổi từ phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến nhu cầu, cách tiếp cận, hưởng thụ tác phầm điện ảnh của người dân. Thực tế đó đòi hỏi một đạo luật mới về điện ảnh ra đời nhằm Luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Vì vậy, để chuẩn bị cho công tác thẩm tra Dự án Luật, thời gian vừa qua, Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ đã tổ chức làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành liên quan; làm việc với các tổ chức hiệp hội về điện ảnh; khảo sát thực tiễn tại một số địa phương và một số cơ sở điện ảnh trong cả nước.

Tại Hội nghị tham vấn, Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các vị đại biểu quan tâm thảo luận tập trung vào một số nội dung chính như: Đánh giá tình hình thi hành Luật Điện ảnh (công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện ảnh; công tác quản lý nhà nước về điện ảnh; đánh giá thực trạng hoạt động điện ảnh trên cả 3 khâu: sản xuất, phát hành và phổ biến phim;...);  Góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) (Về phạm vi điều chỉnh và các khái niệm; Về chính sách của nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; Về phân cấp, phối hợp trong quản lý nhà nước về điện ảnh; Về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước;....)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và những quy định của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực điện ảnh đã tạo thuận lợi  cho  bước tiến nhanh và mạnh của ngành điện ảnh, đóng góp vào phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh phát triển nhanh chóng cảu nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế số, sự biến động sâu sắc của xã hội dưới tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, yêu cầu cấp bách đối với điện ảnh Việt Nam hiện nay là cần phỉa đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy truyền thống dân tộc, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, tăng cường hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, ngày 10/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, theo đó dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng nhấn mạnh, mục đích của việc xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và phpas luật của Nhà nước, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với quy định của kinh tế thị trường, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao, tương thích với các bộ luật, lật hiện hành và pháp luật quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia.

Cho ý kiến tại hội thảo, đa số ý kiến phát biểu đều đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, sau 15 năm thực thi, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này… Một số vấn đề bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành cũng đại các đại biểu tập trung làm rõ như: vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh; một số chính sách quản lý hiện nay đang hạn chế việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh; vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh; hoạt động chiếu phim lưu động; sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước;...

NSND Đặng Nhật Minh phát biểu tại Hội nghị 

Phân tích về hiện trạng phát triển và quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đã hình thành và phát triển từ năm 2002 kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg về quản lý việc thu các kênh chương trình truyền hình của nước ngoài. Để thể chế hóa các quy định quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nhằm ngăn chặn có hiệu quả mọi loại nội dung xấu, kể cả những nội dung gây ảnh hưởng về văn hóa, thuần phong, mỹ tục do khác biệt về quan niệm, nhận thức của doanh nghiệp nước ngoài, từ năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất, sửa đổi, bổ sung Nghị định só 06/20216/NĐ-CP để bổ sung các quy định phù hợp xu thế công nghệ và dịch vụ hiện nay.

Ông Nguyễn Hà Yên kiến nghị, để tạo thuận lợi cho công tác quản lý các dịch vụ nội dung xuyên biên giới trong giai đoạn tiếp theo thì quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh cần lưu ý: Thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được hcieeus ngoài rạp, chiếu trên truyền hình và chiếu trên mạng internet; cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim; nội dung bị hạn chế... Đồng thời, cần có các quy định về cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, nguy hiểm,... và gỡ bỏ nộ dung vi phạm kho có yêu cầu; đơn vị cung cấp buộc phải cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong lĩnh vực điện ảnh, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương kiến nghị: Pháp luật điện ảnh cần tạo ra hành lang pháp lý toàn diện để có thể điều chỉnh được tất cả các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực điện ảnh. Quy định pháp lý cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng. Trong đó, nếu như phương thức chiếu phim của các doanh nghiệp truyền thống tại rạp chiếu phim hay chiếu qua truyền hình cần được kiểm duyệt trước khi phổ biến, thì việc chiếu phim trên các nền tảng Internet cũng cần được kiểm duyệt tương tự.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điện ảnh như: những quy định còn thiếu; những quy định không phù hợp với thực tiễn; hoạt động thẩm định và phân loại phim, cấp phép phổ biến phim; hoạt động liên hoan phim, quảng bá điện ảnh Việt Nam; công tác đào tạo nguồn nhân lực; việc hợp tác quốc tế; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động điện ảnh.

Chiều cùng ngày, Hội nghị tham vấn chuyên gia sẽ tiếp tục thảo luận về một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thi hành Luật Điện ảnh và góp ý những nội dung cụ thể nhằm xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi) phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra./.

Lê Anh - Minh Thành