PHÓ CHỦ NHIỆM UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC: LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI) SẼ THÚC ĐẨY ĐIỆN ẢNH PHÁT TRIỂN

19/10/2021

Chia sẻ về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật, nhiều ý kiến mong muốn các chính sách của Nhà nước cần cụ thể và khả thi hơn, tránh chung chung Luật khung, luật ống...

 

Chia sẻ về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật, nhiều ý kiến mong muốn các chính sách của Nhà nước cần cụ thể và khả thi hơn, tránh chung chung Luật khung, luật ống; làm sao tạo điều kiện, cơ chế, khuyến khích tổ chức cá nhân có điều kiện tốt nhất tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh, có tác phẩm giá trị đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng hội nhập quốc tế.

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Nghiên cứu về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông đánh giá ra sao về dự án này sau khi đã được tiếp thu, chỉnh sửa 8 lần?

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trong quá trình chuẩn bị cho dự án Luật Điện ảnh, có hai loại văn bản Chính phủ, ban soạn thảo dày công nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện là Tờ trình dự án Luật, bản trình ra Quốc hội thảo luận về dự án. Trong đó, những lần cuối tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như các cơ quan tổ chức liên quan để hoàn thiện, trình ra Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự thảo, chúng tôi thấy rằng cơ quan soạn thảo cầu thị, cố gắng tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của cơ quan có liên quan. Dự thảo lần này cơ bản đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện trình ra đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật cũng đã bám sát và thể hiện khá đầy đủ 4 chính sách Quốc hội đã thảo luận: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuât sphim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Nghiên cứu dự thảo Luật, chúng tôi cũng thấy kế thừa khá hợp lý các quy định của Luật hiện hành. Đồng thời, sửa đổi bổ sung 50 điều mới, đưa vào nội dung quan trọng liên quan đến phát triển công nghiệp điện ảnh, hỗ trợ đào tạo phát triển nhân lực, hợp tác đầu tư nước ngoài, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị sản xuất nước ngoài vào sản xuất tại Việt Nam, phân loại và phổ biến phim và nhiều quy định cụ thể, và cũng loại bỏ các quy định lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Phóng viên: Sau Phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, các thành viên Ủy ban còn có ý kiến khác nhau về vấn đề gì của dự án Luật, thưa ông?

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Bên cạnh các ý kiến mong muốn làm thế nào hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật để Luật khả thi, cụ thể và đóng góp sự phát triển của điện ảnh thời gian tới, có 3 vấn đề Thường trực và toàn thể Ủy ban lưu ý đề xuất với Quốc hội, đây cũng là 3 vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến nhiều lần, được xã hội quan tâm và tham gia góp ý trong quá trình xây dựng dự án Luật:

Thứ nhất là sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Chính phủ đưa ra 2 phương án: Phương án 1 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Lý do Chính phủ cũng đã đưa ra trong tờ trình.

Về phía Ủy ban và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hình thức đấu thầu là một trong những hình thức chủ yếu đã được Luật hóa, cụ thể Luật Đầu tư đã quy định. Không phải đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới quá trình sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim trong thời gian qua. Ngay trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thể hiện điều đó, cho rằng khâu tổ chức thực hiện là điểm yếu dẫn tới thời gian dài không thể đặt hàng sản xuất phim bằng hình thức đấu thầu. Mặt khác, quy định này cũng có ưu điểm, tạo sự bình đẳng, cạnh tranh để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ sản xuất tác phẩm điện ảnh. Chính vì vậy, Ủy ban có đề nghị nghiên cứu tiếp để hoàn thiện quy định này. Đồng thời để không còn vướng mắc trong thực hiện, cần phải có quy định cụ thể, phù hợp để triển khai hình thức đấu thầu trong thực tế; có cơ chế khuyến khích thực hiện tốt hơn các quy định đặt hàng, như cơ chế hợp tác công tư, cơ chế mua bản quyền phim để phục vụ nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, phổ biến phim trên mạng sẽ áp dụng hậu kiểm hay tiền kiểm. Chính phủ có xu hướng trình ra là hậu kiểm, các thành viên Ủy ban cũng thảo luận và cơ bản đồng tình, cho rằng hậu kiểm là xu hướng tất yếu hiện nay, phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý. Tuy nhiên, cũng cân nhắc là cần phải tính toán để làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất mặt trái của hậu kiểm, không bỏ lọt những bộ phim nhạy cảm xấu độc, ảnh hưởng tới chính trị, văn hóa, con người.

Phương án của Thường trực đề ra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, được ban soạn thảo cơ bản đồng ý tiếp thu là cần có sự kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm: hậu kiểm là chủ yếu, gắn với tiêu chí phân loại rõ ràng, lượng hóa, cụ thể hóa, dễ hiểu, để cơ sở sản xuất phát hành căn cứ vào đó thực hiện tự phân loại; tiền kiểm để có cơ chế điều chỉnh cơ sở điện ảnh phát hành có tác động lớn tới chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đồng thời quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất phát hành phim; công cụ, cơ chế tự kiểm tra, phát hiện, gỡ bỏ và xử lý cơ sở sản xuất, phát hành phim vi phạm ảnh hưởng tới chính trị, xúc phạm uy tín, quyền con người...

Thứ ba, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Thường trực Ủy ban cho rằng quỹ cần thiết, nhưng xây dựng Quỹ trong Luật bảo đảm khả thi và hợp lý, xác định rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế quản lý, sử dụng quỹ. Hiện trong dự thảo, nguồn của quỹ chưa rõ, chưa bảo đảm độc lập và ổn định. Trong khi đó, Luật hiện hành đã quy định nhưng bao nhiêu năm chưa có ngân sách để đáp ứng, lần này cần tính toán ngay từ đầu liệu khả năng ngân sách có đáp ứng được không, nguồn có độc lập được không, cơ chế quản lý sử dụng làm sao không để trùng chi, trùng thu về ngân sách nhà nước; làm thế nào tạo sự công bằng, cạnh tranh, khuyến khích cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng tác phẩm đưa tới công chúng...

Phóng viên: Sắp tới, tiến trình thảo Luận, hoàn thiện dự án này được Ủy ban tiếp tục thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến xem xét trong 2 kỳ họp. Kỳ họp tới cho ý kiến lần đầu, theo chương trình dự kiến sẽ tổ chức trình cũng như cơ quan thẩm tra báo cáo với Quốc hội về dự án Luật này, tổ chức thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, cơ quan giúp việc sẽ tổng hợp phân loại ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Luật. Sau khi họp, công việc hết sức khẩn trương, bận rộn, đòi hỏi nghiêm túc tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật... trước khi hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 3.

Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì về dự án Luật sau khi được thông qua?

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Không những cá nhân tôi mà thành viên Ủy ban, cơ quan soạn thảo, đối tượng liên quan, đặc biệt là các nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh kỳ vọng dự thảo Luật có chất lượng tốt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của những người làm nghề, đáp ứng yêu cầu trong Nghị quyết Đại hội cũng như văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước.

Sở dĩ có những kỳ vọng lớn bởi dự thảo Luật hiện hành ban hành và thi hành khá lâu, so với điều kiện hiện nay quá bất cập, nhiều yêu cầu, vấn đề từ thực tiễn nhưng Luật hiện hành chưa được quy định. Xu hướng hiện nay ở nhiều nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam nhưng đã có bước tiến lớn phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, không chỉ có bước tiến lớn về văn hóa nghệ thuật mà cả về mặt kinh tế. Chúng tôi mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa được 4 chính sách lớn mà Quốc hội đã thông qua, hướng đến sự cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, dễ áp dụng để có sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước và những người hoạt động điện ảnh, hạn chế vướng mắc, tâm tư lâu nay xảy ra, chẳng hạn như vướng mắc về thẩm định và phân loại phim truyện hiện nay... Chúng tôi mong muốn dự án Luật sẽ khắc phục những bất cập đó.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Phan Hằng

Các bài viết khác