THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC HỌP MỞ RỘNG VỀ TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

01/03/2022

Chiều ngày 01/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc họp Thường trực Ủy ban mở rộng về dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 

Toàn cảnh cuộc họp Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mở rộng về tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tham dự buổi họp, về phía Quốc hội có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Phan Viết Lượng, Đặng Xuân Phương, Nguyễn Thị Mai Hoa cùng các Ủy viên chuyên trách của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Văn phòng Quốc hội.

Về phía cơ quan soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, lãnh đạo và chuyên viên Cục Điện ảnh; đại diện các bộ, ngành Chính phủ: đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc cuộc họp

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp ngay sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Thường trực Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời lấy ý kiến một số Bộ, ngành liên quan và chuyên gia để có thêm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, cuộc họp nhằm tiếp tục lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và một số vấn đề lớn trong Luật chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9 vào tháng 3/2022.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Thay mặt Thường trực Ủy ban, báo cáo một số nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, qua các hội nghị, các cuộc làm việc và góp ý của các Bộ, ngành, cơ quan, đa số ý kiến cơ bản đồng tình với kết quả tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và cho rằng, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến xác đác của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý sửa đổi, bổ sung nhiều quy định phù hợp, nâng cao chất lượng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, một số ý kiến đề nghị có chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và các ngành kinh tế liên quan; cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển điện ảnh, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Một số ý kiến đề nghị ghép các quy định của Điều 6 vào Điều 5 (dự thảo trình Kỳ họp thứ 2), thể hiện rõ chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, trong đó bao gồm phát triển công nghiệp điện ảnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng báo cáo một số nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng Nhà nước sẽ đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi cho các hoạt động điện ảnh cần thiết nhằm xây dựng, phát triển ngành điện ảnh Việt Nam thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Theo đó, Dự thảo đã tổng hợp được một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh để quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh tại Điều 5.

Liên quan đến quản lý Nhà nước về điện ảnh, bàn về thẩm định và phân loại phim, cấp Giấy phép phân loại phim (Điều 27 và Điều 31), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng nêu rõ, Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc cấp giấy phép phân loại phim, quyết định phát sóng và chịu trách nhiệm đối với những phim do mình cấp phép, quyết định phát sóng. Để cấp phân loại, quyết định phát sóng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan truyền hình sẽ phải thành lập nhiều Hội đồng khác nhau, với thành phần tham gia phù hợp với nội dung và thể loại phim. Dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Hội đồng thẩm định, phân loại phim. Quy định cụ thể về thủ tục thành lập, thành phần tham gia, trách nhiệm của các thành viên… sẽ do văn bản dưới Luật hướng dẫn để linh hoạt trong thực tế.

Thực tế khảo sát cho thấy, hiện nay chỉ có một Hội đồng thẩm định phim nhập khẩu chiếu rạp duy nhất trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xảy ra tình trạng tồn đọng phim cần thẩm định, đặc biệt là vào các dịp lễ. Do đó, việc phân cấp thẩm định phim nói chung, phim truyện nhập khẩu chiếu rạp nói riêng là cần thiết để đáp ưng thực tế số lượng phim ngày một tăng. Do vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật, quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấp phép phân loại phim đối với phim phổ biến trong phạm vi địa phương.

Liên quan đến vấn đề sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định “Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng NSNN là các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”; bổ sung quy định “Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng NSNN được huy động các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện.” để bao quát hình thức phim hợp tác công - tư như ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị.

Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý, quy định việc sản xuất phim sử dụng NSNN được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu, phù hợp với đặc thù của việc sản xuất phim, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, cơ quan thẩm tra, một số cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành cũng như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc tính khả thi và sự phù hợp của quy định về Quỹ như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Việt Lượng cũng báo cáo giải trình một số vấn đề về phát hành phim, phổ biến phim, quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh và một số vấn đề khác như hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, lưu chiểu, lưu trữ phim….

Đa số ý kiến đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Qua thảo luận, đa số các ý kiến cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Góp ý tại phiên họp, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chuẩn bị. Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc dự thảo Luật quy định các ưu đãi về thuế là chưa thể chế đầy đủ, chưa đúng với tinh thần “hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế” được nêu trong Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Do vậy, đề nghị trường hợp ghi nhận các chính sách ưu đãi cụ thể tại Luật Điện ảnh thì cần thực hiện theo nguyên tắc trên của Luật Đầu tư và sửa đổi đồng bộ các quy định tương ứng của Luật Đầu tư, các luật thuế có liên quan, đồng thời bổ sung đánh giá tác động về những chính sách đó theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc không quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Vì quy định về Quỹ này chưa đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước, có nhiệm vụ chi của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trùng với nhiệm vụ chi của NSNN đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 của Dự thảo Luật. Ngoài ra, qua 14 năm triển khai thực hiện, Quỹ vẫn chưa được thành lập do chưa xác định được nguồn thu ổn định để bảo đảm hoạt động của Quỹ.

Về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng (Điều 21), Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy đây là một quy định quan trọng nhằm đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật về điện ảnh trên môi trường số. Tuy nhiên, việc quy định tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng “chỉ thực hiện việc gỡ bỏ phim vi phạm trong trường hợp tổ chức, cá nhân phổ biến phim không chấp hành yêu cầu gỡ bỏ phim vi phạm” sẽ thu hẹp phạm vi thẩm quyền yêu cầu của cơ quan nhà nước, không bảo đảm yêu cầu xử lý kịp thời khi phát hiện phim vi phạm trên không gian mạng, có thể gây ra các hậu quả khó khắc phục. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều này nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trung gian trong việc cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, xử lý kịp thời các vi phạm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Cũng góp ý về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho rằng, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật lần này đã gộp 2 Điều thành một điều chung. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được lượng hóa cụ thể hơn, thể hiện rõ hơn vai trò của Nhà nước và việc huy động, khuyến khích các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong phát triển điện ảnh.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhận thấy, khoản 3 Điều này chủ yếu tập trung các ưu đãi về thuế, đất, yếu tố ưu đãi về tín dụng chưa được làm rõ, đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn về ưu đãi tín dụng đối với hoạt động điện ảnh.

Liên quan đến vấn đề quản lý đối với các hình thức phổ biến phim, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm, dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý khác nhau đối với các đối tượng hoạt động phổ biến phim theo từng loại hình thức phổ biến phim, trong đó có những hình thức phổ biến vẫn được thực hiện tiền kiểm, cấp phép bới cơ quan quản lý nhà nước.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền Thông đề cập đến vấn đề quản lý đối với các hình thức phổ biến phim

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 3 hình thức, quy định quản lý đối với hình thức phổ biến phim trên truyền hình phù hợp và đồng bộ với Luật Báo chí hiện hành: trao quyền quyết định và chịu trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan báo chí.

Về hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thống cho rằng, đây là loại hình phổ biến khó quản lý nhất, cũng được dự thảo Luật cởi mở, trao quyền quyết định và chịu trách nhiệm cho đối tượng phổ biến phim, không chỉ tổ chức, mà còn cả cá nhân.

Đối với hình thức phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, địa điểm chiếu phim công cộng, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên quan điểm như Luật Điện ảnh, phải được cấp phép, tiền kiểm bởi cơ quan quản lý nhà nước.

Do vậy, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo cân nhắc, thống nhất quan điểm quản lý đối với các hình thức phổ biến phim để đảm bảo sự công bằng đối với các đối tượng khi tham gia hoạt động phổ biến phim theo các hình thức khác nhau.

Cũng tại cuộc họp, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp đã góp ý một số nội dung và giải trình làm rõ thêm một số vấn đề của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ bản các đại biểu và các cơ quan hữu quan đều có sự đồng thuận, không còn ý kiến khác nhau, dự thảo Luật cần chỉnh lý thêm một số yếu tố kỹ thuật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Điều 5 - chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh là nội dung lớn, còn có nhiều ý kiến khác nhau như ý kiến của Ủy ban Pháp Luật, Bộ Tài chính và một số bộ ngành khác…Cho rằng vấn đề lớn nhất của Điều 5 liên quan đến Khoản 3 đề cập đến các chính sách ưu đãi về thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Khoản 3 sẽ đưa về như dự thảo cũ để giải quyết các vướng mắc hiện tại.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tiếp thu ý kiến các cơ quan của Quốc hội và các bộ ngành, đa số ý kiến nhất trí không thành lập Quỹ này. Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và cơ quan soạn thảo sẽ tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần cuối để thống nhất các nội dung còn ý kiến khác nhau trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc họp:

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý một số nội dung của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đại diện Bộ Tài chính giải trình làm rõ thêm một số chính sách ưu đãi về thuế trong hoạt động điện ảnh

Đại diện Bộ Tư pháp góp ý một số nội dung của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đại diện cơ quan soạn thảo - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác