Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động

25/04/2015

Trước thực trạng sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm đang trở nên rất bức xúc trong xã hội, ngày 24/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức phiên giải trình của Chính phủ về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Các đại biểu cho rằng, sinh viên ra trường không giải quyết được việc làm nhưng vẫn tiếp tục đào tạo là một sự lãng phí lớn đối với gia đình và xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Phiên giải trình

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Ngô Thị MinhPhó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Hải cho rằng sinh viên ra trường không giải quyết được việc làm nhưng vẫn tiếp tục đào tạo là một sự lãng phí lớn đối với gia đình và xã hội. Các đại biểu đã chỉ ra mâu thuẫn, hàng năm báo cáo tình hình kinh tế xã hội gửi về Quốc hội đều khẳng định tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhưng rất nhiều lao động qua đào tạo chất lượng cao rồi lại không tìm được công việc đúng chuyên môn. Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) đánh giá công tác đào tạo nhân lực hiện nay giống như ngành sản xuất nông nghiệp khi mà sản xuất ra nhưng không biết tiêu thụ vào đâu. Bộ Giáo dục – Đào tạo đào tạo sinh viên theo kế hoạch nguồn nhân lực của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong khi bản kế hoạch này lại chưa có. Điều này là một điểm bất cập và tiếp tục đẩy tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm ngày càng tăng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận giải trình tại Phiên họp

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết nhằm giải quyết hiệu quả việc làm cho sinh viên tốt nghiệp mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động, gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức chuyên môn còn bồi dưỡng thêm các kỹ năng, phẩm chất đạo đức, khả năng tạo việc làm cho chính bản thân và cho mọi người. Bên cạnh việc chưa có chính sách riêng về việc làm cho đội ngũ sinh viên tốt nghiệp ra trường, một trong những bất cấp của giải quyết việc làm hiện nay là người dân quá thụ động và trông chờ vào Nhà nước. Đây cũng được xem là một điểm còn thiếu sót trong đào tạo của Việt Nam. Bởi nếu đào tạo tốt thì những cử nhân, kỹ sư khi ra trường không chỉ tạo việc làm cho mình mà còn giúp tạo việc làm cho những người xung quanh. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, giải quyết việc làm nếu chỉ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay Bộ Giáo dục - Đào thì sẽ không thể làm được mà phải có cơ chế cho cả thị trường lao động. Giải quyết việc làm không chỉ phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước mà phải huy động mọi thành phần kinh tế xã hội.

Tham gia giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết với chức năng quản lý nhà nước về việc làm thì Bộ sẽ tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, xây dựng các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho thị trường lao động vận hành; cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội qua đó phát triển các cơ hội việc làm. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua Quỹ giải quyết việc làm đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu việc làm dài hạn, đóng góp tốt hơn cho công tác đào tạo và phối hợp với ILO xây dựng báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam hàng năm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng hệ thống trung tâm việc làm, đặc biệt tại các vùng kinh tế trọng điểm đều có các trung tâm giới thiệu việc làm. Các trung tâm giới thiệu việc làm cùng với hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm góp phần vào việc giải quyết việc làm hiện nay song kết quả đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng.

Bảo Yến lược ghi